Chiến thuật sử dụng bom lượn những tháng gần đây đang giúp Nga tiến công ở Ukraine nhanh chưa từng có kể từ khi xung đột nổ ra.
Phi công Nga kiểm tra bom lượn gắn trên máy bay chiến đấu (Ảnh: Telegram).
CBS cho biết, những tháng gần đây, Nga đã tăng cường sử dụng bom lượn và điều này đang tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến.
Bom lượn mới của Nga là phiên bản điều chỉnh của bom FAB thời Liên Xô mà đầu tiên là FAB-250 được thiết kế vào năm 1946. Những mẫu này là những đầu đạn được các chiến đấu cơ thả từ trên không với tác động nổ đáng kể. Các loại vũ khí này được chế tạo bằng cách sử dụng đạn dược thời Liên Xô, một số đó mang theo hơn một tấn thuốc nổ.
Tuy nhiên, không giống phiên bản tiền nhiệm, tất cả chúng đều mạnh hơn khi được trang bị cánh, cho phép chúng bay về phía mục tiêu và có thể trở thành một vũ khí dẫn đường. Giá thành của bom lượn tương đối thấp, trong khi sức tàn phá cao.
Những cuộc tấn công bom lượn quy mô lớn của Nga đang trở thành ác mộng với binh sĩ Ukraine và họ thậm chí đã gọi đây là vũ khí "địa ngục".
Đại tá Maksym Balagura, người chỉ huy đơn vị Lực lượng Biên phòng Ukraine, chia sẻ với CBS, mỗi người lính đều lo sợ cho tính mạng của mình khi nhận được tín hiệu Nga triển khai bom lượn.
"Đừng bao giờ đánh giá thấp đối thủ", ông Balagura nói và thừa nhận rằng các chiến thuật mà Nga sử dụng đã trở nên tinh vi hơn khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ 3.
Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, trong đó có vùng lãnh thổ Donbass rộng lớn ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố, tốc độ quân đội Nga kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine nhanh hơn bất cứ lúc nào kể từ khi xung đột nổ ra.
Vào tháng 2, quân đội Ukraine đã rút khỏi thành phố quan trọng Avdiivka ở miền Đông sau khi bị bao vây nhiều tháng. Tuần này, thành phố Vuhledar rơi vào tay Nga sau 2 năm giao tranh.
Phương tiện truyền thông ủng hộ Điện Kremlin đã đăng tải đoạn video cho thấy quân đội Nga giương cờ trên nóc một tòa nhà ở trung tâm Vuhledar. Quân đội Nga cũng đang áp sát thành phố Pokrovsk, một trung tâm hậu cần của Ukraine ở phía đông đất nước.
Trong khi đó, Ukraine phụ thuộc lớn vào vũ khí và các thiết bị khác do Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp để đảm bảo có thể tiếp tục chiến đấu chống lại Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky đang nỗ lực vận động phương Tây cho phép sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ông lập luận, nếu Ukraine không có sự hỗ trợ bổ sung và khả năng nhắm mục tiêu vào các cơ sở cất giữ và phóng vũ khí của Nga, thì Moscow có thể củng cố việc chiếm giữ lãnh thổ Ukraine và tiếp tục tiến về phía tây đất nước, tới biên giới với Ba Lan - một thành viên của NATO. Trước đó, ông Zelensky cũng nhiều lần cảnh báo, xung đột Ukraine có thể lan rộng thành một cuộc chiến trực tiếp giữa NATO và Nga.
Ukraine tăng cường hơn nữa nỗ lực thuyết phục Mỹ và đồng minh khi cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang đến gần. Nhiều người lo ngại chính sách hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ thay đổi nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Ông Trump từng tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông có thể kết thúc cuộc chiến ở Ukraine "rất nhanh chóng", nhưng ông không bao giờ loại trừ việc thúc đẩy Ukraine chấp nhận một thỏa thuận cho phép Nga giữ một số lãnh thổ Ukraine.
Theo dantri.com.vn