Ukraine đã thưởng tiền cho những người cung cấp thông tin về tội phạm tham nhũng trong nỗ lực nhằm làm trong sạch bộ máy.
Các viên chức của Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine đứng cạnh những túi nilon đựng tiền bị tịch thu tại Kiev, Ukraine trong một vụ án (Ảnh: Reuters).
Năm 2020, doanh nhân Yevhen Shevchenko đã tiếp cận với các nhà điều tra Ukraine liên quan tới một vụ hối lộ quan chức cấp cao nước này.
Bốn năm sau, ông đã nhận được một khoản tiền thưởng vì đã cung cấp thông tin cần thiết cho lực lượng chống tham nhũng của Ukraine để bắt giữ những người trong đường dây.
Shevchenko là một trong 2 người tố giác Ukraine nhận được khoản tiền thưởng của nhà nước vì vai trò của họ trong việc phanh phui hành vi tham ô của một quan chức cấp cao. Đây là một phần trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của Ukraine khi họ đang nỗ lực cải tổ bộ máy để đủ điều kiện kết nạp vào NATO và EU.
Cũng trong tháng này, một viên chức bộ quốc phòng đã được trao số tiền tương đương khoảng 40.500 USD vì đã báo cáo về một khoản hối lộ năm 2021.
Giới chức Ukraine hy vọng rằng với cách làm này họ sẽ thúc đẩy được việc phanh phui ra các đường dây tham nhũng để thanh lọc bộ máy.
Theo bà Anastasia Renkas thuộc Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia, động thái này gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến những người tố giác và các tổ chức nhà nước.
"Nếu mọi người biết quyền của mình, thì mọi người có thể bắt đầu sử dụng những quyền đó và các tổ chức sẽ ý thức được điều này", bà nói.
Người tố giác có quyền được hưởng 10% số tiền trong vụ án mà họ phanh phui sau khi bị cáo bị kết án, với phần thưởng tối đa là 500.000 USD.
Trong trường hợp của doanh nhân Shevchenko, ông đã nhận được số tiền thưởng là 320.000 USD. Ông tin rằng tiền thưởng là một "công cụ thúc đẩy" mạnh mẽ để người Ukraine có thể tố giác hành vi sai trái.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Ukraine cũng đã cập nhật các quy định xung quanh thỏa thuận nhận tội trong các vụ án tham nhũng. Động thái cũng có thể giúp phanh phui nhiều nghi phạm cấp cao hơn.
NACP, cơ quan giám sát tham nhũng của Ukraine, đã ra mắt một cổng thông tin trực tuyến cho phép công chức báo cáo ẩn danh về nghi ngờ tham nhũng tại nơi họ làm việc.
Hơn 4.000 báo cáo đã được gửi kể từ năm ngoái, và đến nay có 47 trường hợp bị phát hiện có liên quan đến các hành vi vi phạm hình sự hoặc hành chính.
Bà Renkas thừa nhận rằng nhiều người Ukraine vẫn còn ngần ngại báo cáo tham nhũng vì những rủi ro cá nhân, vì vậy cơ quan của bà cũng đang nỗ lực tăng cường bảo vệ pháp lý cho những người tố giác.
Hồi tháng 8/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết nước này sẽ có một đợt "làm sạch thể chế". Cuối năm ngoái, để tìm cách loại bỏ tham nhũng, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) thông báo tăng cường nhân sự của Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine từ 700 lên 1.000 người.
Ủy ban châu Âu gần đây đã đánh giá cao tiến độ cải cách của Ukraine liên quan tới các biện pháp chống tham nhũng, mặc dù nhấn mạnh rằng Kiev vẫn cần phải cải cách thêm nữa.
Theo dantri.com.vn