Phi công Mỹ kể cuộc không chiến nghẹt thở với UAV của Iran

Thứ 7, 16.11.2024 | 11:36:00
49 lượt xem

Cuộc không chiến gay cấn giữa chiến đấu cơ F-15 Mỹ với các máy bay không người lái (UAV) của Iran cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong hoạt động tác chiến hiện đại.

Phi công Mỹ kể cuộc không chiến nghẹt thở với UAV của Iran - 1

Một máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ).

Khi phi công điều khiển chiến đấu cơ F-15 của Mỹ, Thiếu tá Benjamin Irish Coffey xuất kích, ông không nghĩ rằng chiến đấu cơ của mình sẽ hết tên lửa để chặn một cuộc tấn công lớn của Iran nhằm vào Israel ngày 13/4.

Khi đó, Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV), quy mô lớn hơn nhiều so với dự đoán của giới quân sự Mỹ.

Được hướng dẫn sử dụng mọi loại vũ khí theo ý mình để giúp đánh bại cuộc tấn công, Coffey và đồng đội của ông, sĩ quan hệ thống vũ khí, Đại úy Lacie Sonic Hester, đã đưa ra một kế hoạch.

Họ mô tả việc bay gần UAV Iran thấp hơn nhiều so với độ cao an toàn tối thiểu dành cho F-15 Strike Eagle và sử dụng súng là một thao tác cực kỳ nguy hiểm trong bóng tối hoàn toàn để chống lại một mục tiêu khó xác định.

Cuối cùng, lực lượng Mỹ trên không và trên biển, bao gồm Hester và Coffey, đã chặn được 70 UAV và 3 tên lửa đạn đạo trong đêm đó, ngăn cản phần lớn cuộc tấn công của Iran.

Mặc dù vậy, các phi công chiến đấu cơ F-15 và sĩ quan vũ khí của Mỹ thừa nhận đôi khi họ cảm thấy choáng ngợp khi đối phó với cuộc tấn công dữ dội của Iran. Đây là cuộc thử nghiệm thực sự đầu tiên của Không quân Mỹ với một cuộc tấn công UAV kéo dài và quy mô lớn. Các máy bay chiến đấu của Mỹ đã hoạt động nhiều giờ đồng hồ trên không trong đêm đó.

"Chi phí của một cuộc tấn công UAV thấp, ít rủi ro. Đối phương có thể triển khai số lượng lớn và chúng tôi phải giao chiến để bảo vệ dân thường và bảo vệ các đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi chưa từng diễn tập quy mô lớn", Timothy Causey, một phi công F-15 của Mỹ, cho hay.

Cuộc tấn công cho thấy quân đội Mỹ sẽ phải vật lộn với một thế hệ tác chiến mới, trong đó các máy bay chiến đấu trị giá hàng triệu USD phải chống lại các UAV giá rẻ, di chuyển chậm và có thể dễ dàng né tránh các hệ thống radar rất tinh vi.

Một thách thức khác: vũ khí hiệu quả nhất của máy bay chiến đấu chống lại UAV nhanh chóng cạn kiệt. F-15E Strike Eagle chỉ có thể mang theo 8 tên lửa không đối không cùng một lúc.

"Đêm đó, nhiệm vụ là bắn hạ UAV bằng bất kỳ loại vũ khí nào chúng tôi có sẵn để bảo vệ đồng minh của mình. Chúng tôi hết tên lửa khá nhanh, có lẽ chỉ 20 phút", phi công F-15, Trung tá Curtis Voodoo Culver, kể lại.

Khi máy bay hết vũ khí, nhiệm vụ tiếp theo với phi công còn khó khăn hơn là: hạ cánh xuống căn cứ quân sự Mỹ khi tên lửa và UAV Iran bị hệ thống phòng không Patriot của căn cứ đánh chặn phát nổ trên đầu và làm rơi các mảnh vỡ xuống đường băng.

Một số máy bay chiến đấu, bao gồm cả máy bay của Coffey và Hester, đã phải hạ cánh với một "tên lửa treo" - một tình huống khẩn cấp trong đó tên lửa được bắn nhưng gặp trục trặc và không thực sự phóng được.

"Chúng tôi không biết liệu nó có phát nổ trên cánh máy bay hay không. Chúng tôi cũng không biết liệu nó có phát nổ hay không trong khi bảo trì để đảm bảo an toàn cho máy bay. Đó là một vấn đề lớn. Và khi chúng tôi bắt đầu quá trình hạ cánh, chúng tôi rơi vào tình trạng báo động đỏ", Coffey nói.

Lúc đó, căn cứ quân sự của Mỹ về cơ bản đã bị phong tỏa, báo hiệu một cuộc tấn công sắp xảy ra.

"Tên lửa và UAV đang bay qua căn cứ và chúng bị chặn trên căn cứ, vì vậy chuông báo động màu đỏ sẽ vang lên. Lúc ấy thực sự là lúc bạn thấy rất nhiều kỷ luật quân đội và rất nhiều lòng dũng cảm dưới làn đạn", phi công Coffey cho biết thêm.

Khi các phi công cố gắng hạ cánh xuống căn cứ, họ nhìn thấy những vụ nổ trên không và gọi cho Thiếu tá phi công F-15 Clayton Rifle Wicks, người đang quản lý hoạt động của các máy bay phản lực trên mặt đất vào thời điểm đó.

Trên mặt đất, cảnh tượng hỗn loạn không kém. Các binh sĩ ở căn cứ được khuyến cáo xuống boongke trú ẩn. Tuy nhiên, nhiều người không làm vậy, họ vẫn tập trung vào việc đưa các máy bay phản lực bay trở lại không trung để tiếp tục chiến đấu.

Nhiều phi công, phi công trên không và mặt đất của F-15 tham gia chiến dịch đêm đó đã nhận được giải thưởng vì sự dũng cảm. Đối với Culver, đêm đó là biểu tượng cho thấy mọi thứ đã thay đổi nhiều như thế nào đối với các phi công chiến đấu.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/phi-cong-my-ke-cuoc-khong-chien-nghet-tho-voi-uav-cua-iran-20241116090351455.htm

  • Từ khóa