Tiếp thêm động lực chống tội phạm xuyên quốc gia

Thứ 6, 15.11.2024 | 08:35:06
16 lượt xem

Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ với an ninh, mà với cả tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, ở tầm khu vực và thế giới. Ðể gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế trước thách thức này, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 15/11 làm Ngày Quốc tế phòng ngừa và đấu tranh chống mọi loại hình tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia.

Ảnh: un.org.


Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia được xác định là vấn đề mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia liên quan các hành vi buôn người, buôn bán động vật hoang dã trái phép, lừa đảo trực tuyến… đặt ra những bài toán hóc búa cần lời giải. Các băng nhóm tội phạm luôn tìm cách gia tăng và mở rộng địa bàn hoạt động. Chúng lợi dụng bối cảnh các cuộc khủng hoảng, như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, xung đột, thiên tai và cả những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện các hành vi phạm pháp.

Chiến dịch truy quét tội phạm buôn người do Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) thực hiện gần đây cho thấy rõ hơn quy mô và mức độ phức tạp của loại tội phạm này. C

hiến dịch mang tên "Liberterra II" được triển khai tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với các cuộc đột kích, lực lượng chức năng cũng theo dõi hàng nghìn chuyến bay, tăng cường hoạt động kiểm soát biên giới, nhất là những nơi được xác định là điểm nóng buôn người.

Dù chỉ được triển khai trong một tuần, song chiến dịch tiến hành hơn 2.500 vụ bắt giữ, giải cứu hơn 3.200 nạn nhân và cả những người có nguy cơ rơi vào vòng vây của những kẻ buôn người. Các nạn nhân, có cả trẻ em, bị buộc phải lao động cưỡng bức, bị lạm dụng và phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

Interpol đã thu thập được lượng lớn thông tin tình báo quan trọng, giúp phá nhiều vụ án.

Dù chỉ được triển khai trong một tuần, song chiến dịch tiến hành hơn 2.500 vụ bắt giữ, giải cứu hơn 3.200 nạn nhân và cả những người có nguy cơ rơi vào vòng vây của những kẻ buôn người. Các nạn nhân, có cả trẻ em, bị buộc phải lao động cưỡng bức, bị lạm dụng và phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

Trong bối cảnh không gian mạng xóa nhòa khoảng cách giữa các quốc gia, các nhóm tội phạm lợi dụng triệt để mạng xã hội, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin, tài sản… Nhiều người còn bị lừa, ép buộc hay dụ dỗ thực hiện hành vi phạm tội. Những phương thức ngày càng tinh vi của tội phạm mạng khiến nhiều quốc gia loay hoay tìm cách ứng phó.

Trước thực trạng nêu trên, Interpol và các cơ quan thực thi pháp luật của 95 nước thành viên tiến hành chiến dịch mang tên "Synergia II" nhằm đối phó các hình thức lừa đảo trực tuyến, phần mềm tống tiền và đánh cắp thông tin. Với nỗ lực được triển khai trong vòng 4 tháng, Interpol phá hơn 22.000 địa chỉ IP, tịch thu nhiều máy chủ, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.

Không chỉ đe dọa cuộc sống của người dân, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia còn là nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng hệ sinh thái.

Báo cáo về tội phạm động vật hoang dã thế giới do Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) công bố tháng 5 vừa qua cho thấy, trong giai đoạn 2015-2021, hoạt động buôn bán bất hợp pháp diễn ra ở 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng khoảng 4.000 loài động, thực vật.

Báo cáo nhận định, phạm vi và quy mô của loại hình tội phạm này trên toàn cầu rất đáng ngại. UNODC lưu ý, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia khai thác hạn chế trong quy định và thực thi pháp luật, liên tục thay đổi thủ đoạn và tuyến đường để trốn tránh cơ quan chức năng.

Nhằm nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những loài có nguy cơ tuyệt chủng, UNODC và các đối tác lần đầu phát động Tuần lễ động vật hoang dã, tại thủ đô Cape Town của Nam Phi. Ðây là một trong nhiều hoạt động góp phần chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về phòng, chống các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, qua đó nâng cao hiệu quả hợp tác.

Thiếu sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế, nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia không dễ thu được thành quả. Ðây là lý do mà Ðại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn Ngày quốc tế phòng ngừa và đấu tranh chống mọi loại hình tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, lần đầu tổ chức kỷ niệm vào hôm nay, ngày 15/11, nhằm tiếp thêm động lực cho cuộc chiến chống tội phạm trên toàn cầu.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tiep-them-dong-luc-chong-toi-pham-xuyen-quoc-gia-post844986.html

  • Từ khóa