Phong trào may khẩu trang và quyên góp tiền, các thiết bị y tế… tặng bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cơ quan và người dân địa phương… là những hành động đẹp mà cộng đồng người Việt Nam tại Đức đang làm để chung tay chống dịch Covid-19.
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel ra lời kêu gọi người dân chống dịch và ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Theo đó, các cửa hàng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… đều phải đóng cửa, trừ những nơi cung cấp nhu cầu thiết yếu của người dân, như: Lương thực, thực phẩm hay thuốc men. Quyết định trên ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của cộng đồng người Việt sinh sống tại Đức, bởi phần lớn người Việt kinh doanh trong các lĩnh vực như: Nhà hàng, làm móng, cắt tóc, bán hoa tươi, quần áo…
Cộng đồng người Việt tại Đức may khẩu trang ủng hộ nhân dân Đức chống dịch Covid-19. |
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, cộng đồng người Việt tại Đức đã phát động phong trào “Chung tay đuổi dịch Covid-19”, trong đó kêu gọi bà con quyên góp vật dụng bảo hộ y tế và tổ chức may khẩu trang ủng hộ các bệnh viện, trại dưỡng lão và trung tâm cấp cứu của Đức. Trên thực tế, Đức có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nhưng lại thiếu nhiều vật dụng phòng hộ đơn giản, như: Khẩu trang, găng tay, thuốc sát trùng. Do vậy, Hội từ thiện Sen vàng Berlin (Senvangberlin) kêu gọi cộng đồng người Việt may khẩu trang ủng hộ nhân dân Đức chống dịch. Những chiếc máy khâu cũ kỹ từ thời Đông Đức xếp xó trong kho được bà con mang ra lau chùi, bảo dưỡng để may khẩu trang. Hội lập 9 nhóm, mỗi nhóm từ 2 đến 3 người. Từ sáng đến tận đêm khuya, người cắt may, người khâu quai chun, người giặt, tạo thành một dây chuyền hoàn chỉnh. Tính đến ngày 8-4, Hội từ thiện Sen vàng Berlin đã may được hơn 4.500 chiếc khẩu trang vải, trị giá khoảng 20.000 euro.
Phong trào may khẩu trang lan từ thủ đô Berlin đến các thành phố khác trên nước Đức. Tại thành phố Dresden, Hội Văn hóa Việt Nam, Hội Phụ nữ Dresden và nhóm thiện nguyện của chị Võ Thiên Nga đã may và trao hàng nghìn khẩu trang tặng Bệnh viện Vincentius cũng như viện dưỡng lão, các trung tâm y tế và người dân địa phương. Bên bờ Biển Bắc, Hội Phụ nữ thành phố Rostock đã tổ chức may 2.500 chiếc khẩu trang tặng Bệnh viện Klinikum Südstadt. Cầm trên tay những chiếc khẩu trang do người Việt làm, ông Steffen Vollrath, Giám đốc Bệnh viện Klinikum Südstadt rất xúc động, đánh giá cao tấm lòng đầy tình nghĩa của cộng đồng người Việt, đồng thời khẳng định chất lượng khẩu trang của người Việt Nam may rất tốt.
Hàng nghìn suất quà gửi tặng bà con kiều bào có hoàn cảnh khó khăn để vượt qua dịch bệnh. Ảnh: THU HÀ. |
Một số doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, cá nhân cũng gửi tặng thực phẩm, những suất ăn tới bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện. Những món quà này là sự động viên tinh thần to lớn đối với những người đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, tri ân của cộng đồng người Việt Nam với nước Đức, quê hương thứ hai, và là biểu hiện tốt đẹp của quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Bên cạnh phong trào đồng hành với người dân Đức chống dịch, phong trào giúp đỡ người Việt ở Đức có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh cũng được phát động rộng rãi. Ngày 4 và 5-4, bà con tiểu thương ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân đã quyên góp, ủng hộ tiền và hàng trị giá hàng chục nghìn euro. Hay chị Nguyễn Thị Hà ở thành phố Berlin ủng hộ 120 hộp khẩu trang y tế loại 3 lớp (tương đương 6.000 chiếc), 150 hộp găng tay (7.500 đôi) và 120 lít thuốc sát trùng. Ngoài ra, hàng nghìn suất quà cũng được gửi tới bà con kiều bào có hoàn cảnh khó khăn. Đây là sự động viên tinh thần to lớn, thể hiện truyền thống đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại còn có những biện pháp chia sẻ khó khăn, như: Giảm, gia hạn thời gian thanh toán tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ người lao động trong phạm vi có thể.
Trong lúc dịch bệnh lây lan, nhiều người hoang mang mua hàng hóa dự trữ thì cộng đồng người Việt Nam lại lo đi cứu trợ, làm từ thiện, chung tay góp sức với nhân dân Đức chống dịch Covid-19. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, sẻ chia khó khăn của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.
NGUYỄN HUY THẮNG (kiều bào Việt Nam tại Đức)/qdnd.vn