Trở lại nắm quyền sau thời gian phải điều trị Covid-19, ông Boris Johnson có 4 việc cấp bách cần thực hiện ngay để đẩy lùi đại dịch.
1. Có dỡ bỏ phong toả?
Áp lực lên từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ và một số thành viên Chính phủ ngày càng gian tăng lên Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc ông cần quyết định dỡ bỏ một số quy định trong lệnh phong tỏa mà Chính phủ Anh thiết lập từ ngày 23/3.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP |
Trên thực tế, người từng nắm quyền thay ông Johnson, Ngoại trưởng Dominic Raab cũng đã đề xuất phương án riêng của ông trong ngày 26/4, nhưng dường như đang có sự chia rẽ giữa các Bộ trưởng Anh về vấn đề này và họ muốn chờ đợi quyết định cuối cùng từ Thủ tướng Johnson hơn.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock mong muốn, tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 (còn được gọi là R0) được khống chế ở mức dưới 1 trước khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Ông Hancock cũng là người hối thúc việc triển khai hệ thống theo dấu những người mắc Covid-19 và cả những người tiếp xúc gần với họ để có thể khống chế dịch bệnh này một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak lại nghiêng về khả năng sớm dỡ bỏ phong tỏa nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại nhằm hạn chế tối đa tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Anh.
Thủ tướng Anh được cho là sẽ đưa ra quyết định cuối cùng lên quan đến vấn đề này vào ngày 7/5 tới.
2. Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm
Cam kết tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19 của hệ thống y tế Anh lên 100.000 mẫu/ngày vào cuối tháng 4 mà Bộ trưởng Y tế Anh Hancock đưa ra đã gần tới hạn chót. Trong những ngày gần đây, việc tăng cường xét nghiệm được triển khai rầm rộ và tất cả các y, bác sỹ trên tuyến đầu đối phó với dịch Covid-19 đều đã được đăng ký xét nghiệm.
Vấn đề chính ở đây là các bộ kit xét nghiệm đều nhanh chóng được phân phát hết chỉ trong vài phút sau khi được đăng tải trên trang web của Chính phủ Anh và các nhân viên y tế than phiền rằng, dù đăng ký như vậy nhưng họ vẫn chưa được xét nghiệm lần nào.
Trong khi đó, hồi cuối tuần qua, Chính phủ Anh tuyên bố, quân đội nước này sẽ tham gia vào việc thiết lập các đơn vị xét nghiệm lưu động. Bộ trưởng Y tế Hancock vẫn khẳng định, ông sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên, điều này sẽ khiến hệ thống y tế Anh bị dàn trải và một số chuyên gia y tế lo ngại đây là “một ván bài đầy may rủi”.
Thủ tướng Anh Johnson sẽ phải cân nhắc việc có tiếp tục ủng hộ ông Hancock hay không hay sẽ tránh né đề cập đến vấn đề này dù trước đó chính ông Johnson từng có lần tuyên bố, việc tăng cường năng lực xét nghiệm lên 250.000 mẫu/ngày là hoàn toàn có thể đạt được.
Ngoài ra, Thủ tướng Anh cũng sẽ phải quyết định xem Chính phủ sẽ quan tâm đến mức độ nào đối với đề xuất theo dấu những người mắc Covid-19 và cả những người tiếp xúc gần với họ để có thể khống chế dịch bệnh.
Nhân viên y tế chuẩn bị đưa bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện ở London. Ảnh: AFP |
3. Trao quyền cho ai và như thế nào?
Ông Johnson sẽ phải quyết định xem liệu việc phân quyền hiện nay khi nước Anh vừa qua đỉnh dịch Covid-19 có còn phù hợp với giai đoạn tiếp theo của việc phòng chống dịch nữa hay không.
Khi ông phải nghỉ việc đề điều trị Covid-19, quyền ra quyết định nằm trong tay “nhóm bộ tứ” gồm Bộ trưởng Tài chính Sunak. Bộ trưởng Y tế Hancock, Ngoại trưởng Raab và Bộ trưởng Nội các Michael Gove. Mỗi người trong số này lại đứng đầu một trong 4 ủy ban quyền lực nhất trong cuộc chiến chống Covid-19.
Vào những thời điểm then chốt, quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra sau khi có sự thông qua của Cobra - ủy ban đối phó khủng hoảng liên ngành, được thành lập để xử lý các tình trạng khẩn cấp của quốc gia - với các thành viên là đại diện của Scotland, Wales, Bắc Ireland, London cùng nhiều Bộ trưởng và các chuyên gia. Về phần mình, Cobra thường xuyên tham vấn ý kiến của Nhóm Cố vấn Khoa học về Tình trạng khẩn cấp (Sage).
Chính phủ Anh nhiều lần khẳng định, cách ứng phó với Covid-19 của họ là “hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học”. Tuy nhiên, tính độc lập của Sage đã bị nghi ngờ khi có thông tin, ông Dominic Cummings - Cố vấn trưởng của ông Boris Johnson - từng tham dự các cuộc họp của Sage bất chấp sự phản đối của các thành viên trong nhóm này.
Thủ tướng Anh sẽ phải quyết định xem liệu ông Cummings có nên tiếp tục tham dự các cuộc họp của Sage nữa hay không và rộng hơn nữa là, ông có đưa thêm các đại diện khác vào các nhóm tư vấn hoặc ủy ban quan trọng liên quan đến việc phòng, chống Covid-19 hay không.
4. Giải trình về cách thức ứng phó Covid-19
Khi ông Johnson phải nghỉ làm việc để điều trị Covid-19, người thay thế ông, Ngoại trưởng Anh Raab đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi của thủ lĩnh đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh Keir Starmer trong một căn phòng gần như trống không tại Hạ viện.
Lần này, nhiều khả năng ông Johnson sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự và Thủ tướng Anh sẽ phải trả lời những câu hỏi hóc búa hơn nhiều như liệu ông có quá chậm trễ trong điều hành phòng chống Covid-19 hay quyết định để ông Hancock lãnh đạo 5 cuộc họp đầu tiên của nhóm Cobra liệu có đúng đắn.
Ngoài ra, các nghị sĩ Anh có thể chất vấn ông Johnson về việc tại sao ông lại quyết định dừng việc theo dấu các bệnh nhân mắc Covid-19 và cả những người có tiếp xúc gần với họ hay việc ông cho phép những lễ hội đông người như Cheltenham Festival vẫn diễn ra bình thường.
Trong bức thư gửi Thủ tướng Anh cuối tuần qua, ông Starmer tuyên bố, ông sẽ làm rõ những vấn đề được nêu ở trên và tiếp tục gây sức ép buộc Thủ tướng phải trình bày chi tiết về kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa và những chiến lược tiếp theo thời hậu Covid-19. “Tôi sợ chúng ta đang bị bỏ lại phía sau so với phần còn lại của thế giới”, ông Starmer nói./.
Trần Khánh/VOV.VN