Chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Thứ 2, 25.11.2024 | 14:16:36
80 lượt xem

Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.

Ðại diện Ðồn Biên phòng Ba Sơn, tỉnh Lạng Sơn trao tre giống, tặng người dân thực hiện mô hình "Lũy tre biên giới Việt".

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là về xây dựng hệ thống dữ liệu số và môi trường văn hóa số. Trong quá trình chuyển đổi số, nhiều địa phương, đơn vị đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ trong công tác tuyên truyền.

Tăng cường hiệu quả tuyên truyền, mở rộng đối tượng tiếp cận

Mới đây, tại chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”, Ban Tuyên giáo đã công bố hệ thống dữ liệu số về điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (địa chỉ: lyluanchinhtri.dcs.vn/hanh-trinh-khat-vong-2024). Qua hệ thống dữ liệu số này, người dân có thêm một kênh thông tin giao lưu với những cá nhân, điển hình tiêu biểu; tìm hiểu và học tập mô hình xuất sắc.

Thực tế, nhiều điển hình tiêu biểu đã trở thành tấm gương trong xã hội, như Ma Seo Chứ, 33 tuổi, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã cứu hàng trăm dân làng thoát chết trong trận bão số 3 lịch sử vừa qua. Từ thông tin trên hệ thống dữ liệu này, nhiều địa phương học hỏi, áp dụng các mô hình xuất sắc.

Mô hình “Lũy tre biên giới Việt” là phong trào của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đến nay đã lan tỏa nhiều địa phương khắp cả nước. Nhiều mô hình xuất sắc khác đã tích cực góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Trong năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị thí điểm tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên công tác tại cơ sở bằng hình thức trực tuyến. Hoạt động chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị này đã giúp địa phương tiết kiệm được ngân sách, mở rộng số lượng học viên được đào tạo.

Nếu như lớp học trước kia số lượng tối đa chỉ 100 học viên thì lớp trực tuyến mở rộng không giới hạn. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Ðại Nam thông tin: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ này mỗi cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức ít nhất một lần. Ðây là mục tiêu không thể thực hiện nếu tỉnh thực hiện theo đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị bằng phương thức truyền thống.

Ðể chuyển đổi số thành công trong tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến, tỉnh Quảng Trị có một quá trình chuẩn bị dài, nhất là xây dựng văn hóa số. Theo đồng chí Hồ Ðại Nam, khâu quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động tạo nhận thức chung trong công tác chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị. Ðể tạo ra “hệ sinh thái số”, ngoài phương tiện số còn phải có kỹ năng số và văn hóa số.

Các địa phương, đơn vị dù công tác chuyên môn ít liên quan cũng tích cực tham gia số hóa hệ thống tài liệu, văn bản, lập nhóm công nghệ số cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng môi trường văn hóa số. Về nguồn dữ liệu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện số hóa hệ thống nghị quyết, văn bản của Ðảng và tài liệu liên quan, thường xuyên cập nhật văn bản mới vào kho dữ liệu.

Từ kết quả của “mô hình Quảng Trị”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Lãnh đạo Ban rất quan tâm, ủng hộ mô hình bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị nhân rộng mô hình này.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước ta hiện có khoảng 78,5 triệu người sử dụng internet, 73 triệu người sử dụng mạng xã hội, nhóm công nghệ số cộng đồng đã phát triển đến thôn, bản, khu dân cư. Ðiều này cho thấy dữ liệu số, văn hóa số đang ngày càng gắn chặt với đời sống xã hội. Các cấp, các ngành cũng như cả hệ thống chính trị có phương pháp phù hợp nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền.

Chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ảnh 1

Mô hình “Bình dân học AI” được thực hiện thí điểm tại nhiều trường học ở tỉnh Yên Bái.

Đa dạng về hình thức, sinh động trong cách truyền đạt thông tin

Nắm bắt được xu thế của giới trẻ ngày càng quen thuộc với các thiết bị di động và mạng xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) Sùng A Tủa tự tìm hiểu, học hỏi và xây dựng một số kênh cá nhân trên nhiều mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quê hương. Bằng những đoạn video ngắn, A Tủa chia sẻ những câu chuyện về phong tục và cuộc sống hằng ngày của người dân vùng cao quê mình và được nhiều người quan tâm theo dõi.

Qua đó, đồng chí đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm đến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Thời gian gần đây, đồng chí Sùng A Tủa mạnh dạn khai thác nội dung quảng bá các sản phẩm OCOP và hoạt động du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và xã hội các xã miền núi còn nhiều khó khăn. Những thành công của Sùng A Tủa là kết quả từ chủ trương tích cực chuyển đổi số được Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện trong nhiều năm gần đây.

Tỉnh miền núi Yên Bái là địa phương đi đầu trong cả nước khởi động mô hình “Bình dân học AI (trí tuệ nhân tạo)”. Sau hơn một năm thực hiện, nhiều công chức của các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng AI như một trợ lý đắc lực. Nhất là trong ngành giáo dục, nhiều nhà trường sử dụng AI để hỗ trợ giảng dạy, học tập và sáng tạo nhiều sản phẩm trên nền tảng số.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Nguyễn Thúc Mạnh, mô hình “Bình dân học AI” là một mô hình quan trọng để tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc triển khai rộng rãi ứng dụng các công cụ AI sẽ tạo cú huých mạnh mẽ giúp phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu suất công việc của người lao động.

Mô hình “Bình dân học AI” là một mô hình quan trọng để tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc triển khai rộng rãi ứng dụng các công cụ AI sẽ tạo cú huých mạnh mẽ giúp phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu suất công việc của người lao động.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Nguyễn Thúc Mạnh

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vừa qua đón lượng khách tham quan rất lớn nhờ ứng dụng AI trong công tác trưng bày, tuyên truyền và giáo dục. Ðã có hàng trăm nghìn lượt du khách tìm đến bảo tàng trong những ngày gần đây cho thấy sức hút rất lớn của bảo tàng. Nhiều du khách cho biết công nghệ số đã giúp họ biết thông tin chi tiết về nhiều hiện vật quý trong bảo tàng.

Trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền, giáo dục, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thông tin: Có những chủ nhật bảo tàng đón khoảng 60.000 lượt khách, khu vực thu hút đông đảo khách tham quan là triển lãm chuyên đề sử dụng công nghệ AI trong giới thiệu hiện vật, video 3D mô tả về những trận đánh lớn. Công nghệ AI giúp du khách tương tác với hiện vật thông qua thế giới ảo, trò chuyện với nhân chứng lịch sử. Ðây là những trải nghiệm không thể có được nếu bảo tàng vẫn trưng bày theo phương pháp truyền thống.

Xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn

Trong bài viết về chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Ðẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới”.

Thời gian qua, lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những chiêu trò thâm hiểm nhất của chúng là xuyên tạc một phần sự thật khiến nhiều người mất cảnh giác.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý các nguồn tin xấu độc trên không gian mạng song yêu cầu về xây dựng hệ thống dữ liệu số tiêu chuẩn càng trở nên cấp thiết, bởi chúng ta không thể chỉ yêu cầu “công dân số” phải biết gạn lọc thông tin trong khi không có hệ thống dữ liệu chuẩn, chính thống.

Trở lại câu chuyện ở Quảng Trị, quá trình xây dựng giáo án điện tử phục vụ lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới được tiến hành tỉ mỉ, cẩn trọng. Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) Ðoàn Văn Báu cho biết: Việc phối hợp chặt chẽ với các ban chuyên môn của Ban Tuyên giáo Trung ương với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị nhằm bảo đảm tính chính xác cao nhất, cập nhật những văn bản, quan điểm mới nhất của Ðảng về nội dung các chuyên đề, để những vấn đề về lý luận bám sát với thời sự và thực tiễn địa phương cũng như xu thế phát triển đất nước.

Theo lý thuyết, hệ thống thông tin này sẽ được các tuyên truyền viên sử dụng làm chứng cứ để vận động, tuyên truyền quần chúng, do đó đòi hỏi tính thống nhất cao. Như vậy, các quản trị viên phải thường xuyên cập nhật thông tin mới, kiến thức mới, quan điểm mới.

Tiến sĩ Lê Thu Hồng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Ðảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông tin: Việc cập nhật thông tin mới, quan điểm mới là cần thiết đối với hệ thống dữ liệu số, nhất là đối với tài liệu, giáo trình lý luận chính trị. Trong thực tế có nhiều thuật ngữ, khái niệm đã thay đổi theo thời gian, nếu không có sự cập nhật sẽ gây ra tác động ngược trong công tác tuyên truyền.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng những thông tin chính thống, hình thức phong phú, sinh động, hướng tới nhiều đối tượng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, xây dựng các kênh thông tin chính thống, hệ thống dữ liệu số chuẩn giúp công tác tuyên truyền, giáo dục trở nên hiệu quả hơn, góp phần ngăn chặn thông tin xấu độc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-post846716.html

  • Từ khóa