Thỏa thuận hợp tác với Nvidia giúp khẳng định tiềm năng và vị thế của Việt Nam về nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Chiều 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Jensen Huang, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia. Hiện tại, Nvidia là tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ USD.
Thủ tướng và Chủ tịch Nvidia đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Bước ngoặt quan trọng với Nvidia và Việt Nam
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Thỏa thuận hợp tác giữa Nvidia và Chính phủ Việt Nam là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch Jensen Huang trong việc biến Việt Nam thành "ngôi nhà thứ hai của Nvidia".
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên hợp tác nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra lực lượng sản xuất mới trên cơ sở trí tuệ nhân tạo Việt Nam với sự hợp tác của Nvidia và đề xuất một số định hướng cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia, vui mừng gặp lại nhau (Ảnh: VGP).
Theo đó, Nvidia tiếp tục tư vấn để Việt Nam phát triển lĩnh vực này và hợp tác phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ; phát triển công nghệ phát huy hết tiềm năng của Việt Nam thông qua trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nội dung hợp tác giữa hai bên được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe, thấu hiểu".
Về phần mình, Chủ tịch Nvidia Jensen Huang bày tỏ vui mừng quay lại Việt Nam để công bố Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Nvidia tại Việt Nam, tiếp tục cuộc thảo luận với Thủ tướng về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn tại Việt Nam.
Ông khẳng định đây là cơ hội tuyệt vời, thời điểm quan trọng của Việt Nam khi ngành trí tuệ nhân tạo đang trải qua những thay đổi sâu sắc nhất, phát triển các nền công nghiệp, dịch vụ, sản phẩm mới, thúc đẩy tăng trưởng.
Trí tuệ nhân tạo là công nghệ mới đang thay đổi dữ liệu của tất cả các quốc gia, dữ liệu phải được coi là nguồn tài nguyên quốc gia.
Chủ tịch Jensen Huang cho rằng trí tuệ nhân tạo là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Sự khuyến khích và ủng hộ của Việt Nam dành cho lĩnh vực này sẽ là cú hích lớn và Nvidia sẽ là đối tác, người bạn của Việt Nam trên mỗi bước đi, mỗi chặng đường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: VGP).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là một sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt lịch sử.
Thỏa thuận không chỉ là bước đi chiến lược và hướng phát triển mới của Nvidia, mà còn là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu Châu Á, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ nhân tài trong nước.
Sự hỗ trợ của Nvidia trong lĩnh vực AI sẽ giúp Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu phát triển trong ngành công nghệ cao nói chung, lĩnh vực AI nói riêng, mà còn góp phần thúc đẩy toàn bộ khu vực Đông Nam Á trở thành một điểm đến của đổi mới sáng tạo.
Việt Nam có nhiều lợi thế để cạnh tranh
Tại tọa đàm "Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam" diễn ra vào tháng 12/2023, Chủ tịch Nvidia Jensen Huang cho biết làn sóng mới về công nghệ đang tới và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước đến nay.
"Việt Nam đã sẵn sàng số hóa 100%. Các bạn đã có nhiều thập kỷ số hóa và người dân sẵn sàng sử dụng các nền tảng di động. Đó chính là tài sản về ngôn ngữ, văn hóa", Chủ tịch Nvidia nói.
Theo ông Jensen, Việt Nam cũng có yếu tố thứ hai đó là đội ngũ kỹ sư phần mềm có năng lực tốt.
"Trí tuệ nhân tạo là phần mềm, mà phần mềm do con người tạo nên. Việt Nam đang sẵn có nguồn tài nguyên giàu có là các kỹ sư phần mềm và các kỹ sư này đã sẵn sàng nhảy sang bước tiến mới như AI", ông Jensen chia sẻ.
Chủ tịch Nvidia Jensen Huang bày tỏ vui mừng quay lại Việt Nam (Ảnh: VGP).
Yếu tố thứ ba là hạ tầng vì AI đòi hỏi các siêu máy tính xử lý và biến dữ liệu thành trí thông minh.
"Trong tương lai, các bạn cần siêu máy tính. Chúng ta đang sản xuất trí tuệ với các kỹ sư người Việt Nam, cho chính Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải có hạ tầng AI. Vấn đề hiện giờ là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng một triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI", ông Jensen khẳng định.
Từ năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp, ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh đầu tư để sớm làm chủ công nghệ mới. Từ tháng 6/2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Nvidia đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược về trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI tại Viettel và Việt Nam.
Gần đây nhất, tại sự kiện Techday 2024 diễn ra vào tháng 11, FPT đã chính thức ra mắt nhà máy AI tại Việt Nam với mức chi phí dự kiến đầu tư 200 triệu USD. Trước đó, FPT AI Factory cũng đã được giới thiệu tại thị trường Nhật Bản. FPT sẽ bắt tay với hàng loạt tập đoàn như Nvidia, SCSK, Asus, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data và DDN Storage, để phát triển nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho biết nhà máy AI là nền tảng chủ chốt cho việc phát triển nền kinh tế con người và tác nhân AI, đại diện cho lực lượng lao động mới của thời đại công nghệ.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture 2024, Giáo sư Yann LeCun đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực.
Giáo sư Yann LeCun đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Trung Nam).
"Trí tuệ nhân tạo như là nguyên liệu mới thúc đẩy mọi ngành nghề, ví dụ trong lĩnh vực về ô tô điện, y tế giúp các bác sĩ chuẩn đoán và chữa được nhiều bệnh hơn. Lợi thế của Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, người Việt Nam cũng rất thông minh, sáng tạo và chăm chỉ nên trí tuệ nhân tạo có tiềm năng phát triển rất nhanh", Giáo sư Yann LeCun nhận định.
Theo Giáo sư Yann LeCun, tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò lớn trong việc phát triển các lĩnh vực như giáo dục, khoa học, nghiên cứu, các startup; từ đó sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế.
Vào tháng 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, trong số này có ít nhất 5.000 kỹ sư về trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế "một cửa" giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư.
Theo dantri.com.vn