Giáo sư Đại học Oxford cho rằng, công nghệ AI đang mở ra những cơ hội chưa từng có, giúp Việt Nam tiên phong sáng tạo trong giáo dục và đào tạo theo lối riêng.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture 2024, sinh viên và giảng viên tại trường Đại học Giao thông Vận tải đã có cơ hội giao lưu với Giáo sư Leslie Valliant (Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng, Đại học Harvard) và Giáo sư Soumitra Dutta (Trường Kinh doanh Said, Đại học Oxford).
Nội dung cuộc thảo luận giao lưu xoay chủ đề về cơ hội, thách thức và cách Việt Nam có thể dẫn đầu xu hướng AI trong lĩnh vực giáo dục.
Hai vị giáo sư chụp ảnh kỷ niệm với các chuyên gia trong ngành và giảng viên tại trường Đại học Giao thông Vận tải (Ảnh: VinFuture)
"Nút thắt" trong quá trình học hỏi của AI
Giáo sư Leslie Valliant khẳng định vai trò của nhà toán học Alan Turing, người đặt nền móng cho khoa học máy tính với luận điểm rằng mọi tính toán của não người đều có thể được mô phỏng bởi máy móc.
Trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm qua đã phát triển vượt bậc, đạt được những tiến bộ đáng kể, từ nhận diện hình ảnh đến dịch ngôn ngữ.
Giáo sư Leslie Valliant chia sẻ về ba thành phần cốt lõi của giáo dục và phân tích chúng khi so sánh với AI (Ảnh: VinFuture)
Tuy nhiên, theo Giáo sư Leslie, AI vẫn chưa thể thực hiện được việc "giáo dục" theo nghĩa tổng quát. Giáo dục chính là yếu tố khác biệt cốt lõi của con người so với các loài khác, khả năng này bao gồm ba thành phần chính:
Học từ kinh nghiệm: Con người có thể nhận biết và tổng quát hóa từ các ví dụ cụ thể, máy học có thể học tương tự điều này.
Áp dụng kiến thức được học tập: Không chỉ ghi nhớ thông tin, con người còn suy luận và sáng tạo.
Học qua giảng dạy: Đây là yếu tố mà AI hiện nay chưa thể đạt tới, vì máy móc thiếu khả năng hiểu và áp dụng tri thức một cách linh hoạt.
Bổ sung ý kiến, Giáo sư Soumitra Dutta mô tả sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) như một cuộc cách mạng trong giáo dục, tương tự như việc chuyển đổi từ xe ngựa kéo sang ô tô trong lịch sử. Các ứng dụng như Khan Amigo của Khan Academy đã chứng minh AI có thể hướng dẫn học sinh hiệu quả.
Ví dụ như việc ứng dụng Khan Amigo không đưa ra câu trả lời trực tiếp; thay vào đó, ứng dụng hướng dẫn người học thông qua quá trình tư duy.
"Nếu bạn hỏi "6 chia 2 bằng bao nhiêu?", ứng dụng sẽ không trả lời ngay là 3. Thay vào đó, Khan Amigo sẽ hướng dẫn bạn suy nghĩ về phép chia, về các nguyên tắc toán học, giống như cách một người thầy thực sự làm", Giáo sư Soumitra giải thích.
Ông cũng đưa ra lời cảnh báo, dù AI đang tiệm cận độ phức tạp của não người, nhưng ngay cả chúng ta còn chưa thực sự hiểu hết về cách mà não bộ và trí thông minh của con người hoạt động, sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn đang gặp phải một thách thức.
Để AI đạt được "khả năng giáo dục", chúng ta cần một bước đột phá trong việc định nghĩa và mô phỏng trí thông minh, đồng thời sự phát triển của công cụ mạnh mẽ và sự hiểu biết sâu sắc về bản chất nhận thức của con người.
Cần một Việt Nam táo bạo theo lối riêng
Giáo sư Soumitra Dutta nhận định những điểm mạnh và lợi thế riêng trong việc phát triển AI trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam (Ảnh: VinFuture)
Giáo sư Soumitra nhận định, với dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam có những cơ hội lớn để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.
"Hãy mạnh dạn, táo bạo và tham vọng. Đừng coi Harvard hay Oxford là hình mẫu trong tất cả mọi thứ. Hãy học hỏi một phần phù hợp và sáng tạo mô hình giáo dục riêng.
Các sáng kiến đột phá thường đến từ những trường đại học ít danh tiếng hơn, như Southern New Hampshire University hay Western Governors University tại Mỹ, thay vì từ các trường top đầu", Giáo sư Soumitra cho biết.
AI có thể thay đổi căn bản mô hình giáo dục đại học tại Việt Nam, thay vì chỉ đào tạo 30.000 sinh viên, một trường đại học có thể sử dụng hỗ trợ viên AI để mở rộng quy mô lên đến hàng triệu sinh viên, như cách Khan Academy đã làm.
Đây không chỉ là cơ hội đổi mới mô hình mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả quốc gia.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những rào cản và thách thức, Giáo sư Leslie cảnh báo: "Hiệu quả của AI phụ thuộc hoàn toàn vào cách nó được đào tạo. Nếu thiếu kiểm soát, AI có thể mang lại rủi ro lớn".
Theo Giáo sư Soumitra, việc áp dụng đổi mới đột phá như AI đòi hỏi sự thay đổi từ gốc rễ văn hóa giáo dục, đây là điều vốn không dễ dàng.
Nhìn chung, trong tương lai, cả hai giáo sư đều đồng ý rằng sự phát triển của AI có thể vượt xa dự đoán hiện tại. Việt Nam cần tiếp cận AI với tư duy cởi mở, coi đây không chỉ là công cụ mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới.
Giáo sư Leslie chia sẻ, "Con người không mạnh nhất, cũng không nhanh nhất, nhưng nhờ khả năng học hỏi và sáng tạo, chúng ta đã xây dựng nên nhiều nền văn minh không đối thủ".
Nếu AI có thể đạt được khả năng giáo dục như con người, nhân loại sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, nơi cơ hội và thách thức đan xen.
Theo dantri.com.vn