Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Thứ 6, 29.05.2020 | 08:35:45
796 lượt xem

Chính quyền, ngành GD – ĐT các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong mỗi khâu của quá trình tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng.

Theo dự thảo Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đăng tải để nhận ý kiến góp ý của xã hội thì kỳ thi này được giao cho các địa phương tổ chức trong tất cả các khâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm khâu ra đề thi và duy trì các giải pháp giám sát chất lượng của kỳ thi này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ hạn chế phần nào sai phạm, mà điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. Vì vậy, chính quyền, ngành Giáo dục – Đào tạo các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong mỗi khâu của quá trình tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan, kết quả thi đánh giá đúng năng lực học sinh.

nang cao trach nhiem cua dia phuong trong ky thi tot nghiep thpt 2020 hinh 1
Chính quyền, ngành GD – ĐT các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong mỗi khâu của quá trình tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Với các địa phương, dù đã thấm nhuần tinh thần đó nhưng để tổ chức một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh cũng không phải là đơn giản.

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, các địa phương cần nhiều yếu tố để có thể tổ chức được một kỳ thi nghiêm túc, gồm cả đường hướng chỉ đạo của ngành chức năng và quyết tâm của cả hệ thống ở địa phương trong tất cả các khâu tổ chức thi:

(ND: Lãnh đạo Bộ Giáo dục -Đào tạo phải có hướng dẫn rất chi tiết để cho địa phương không làm sai những quy định. Thứ hai là tôi cho rằng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo giáo dục làm thật tốt, đừng để sai sót. Tại vì nhân dân ta là bao giờ họ cũng mong chờ sự công bằng trong thi cử, Nhà nước ta thì cũng đòi hỏi sự chính xác trong thi cử. Bởi vì nếu như thi cử mà không làm được điều này thì một là thiệt thòi cho dân, hai là thiệt thòi Nhà nước là mình đã không đánh giá được đúng tài năng để sử dụng.)

Những sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và hiện được ngành chức năng đưa ra xét xử một cách nghiêm túc cũng là bài học đắt giá cho các địa phương trong tổ chức thi. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ được chính quyền địa phương, người đứng đầu địa phương quán triệt quyết liệt.

Dù địa phương tổ chức thi nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đảm nhiệm khâu ra đề thi, giám sát việc tổ chức kỳ thi nên cũng phần nào tạo được niềm tin đối với xã hội về tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Bên cạnh đó, một điểm mới trong dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là các tỉnh sẽ phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống điện tử để Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy đó là căn cứ đối sánh với kết quả thi.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, đây được cho là căn cứ quan trọng và có giá trị thực tế để phát hiện ra những điểm bất thường.

"Việc công bố công khai phổ điểm trong học bạ cũng như phổ điểm thi cử thì sẽ có sự đối chiếu với nhau. Nếu như phổ điểm học bạ so với phổ điểm thi cử chênh lệch nhau quá thì chúng ta giám sát đã trở lại chắc chắn sẽ phát hiện ra những người làm sai lầm. Ai mà đã chuẩn bị có các ý tưởng có sự sai lầm nào, theo tôi phải ngừng ngay tức khắc từ bây giờ và không để sự sai sót trong kỳ thi xảy ra", Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho hay.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 với mục tiêu để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu quá trình đánh giá này thực hiện không chính xác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các học sinh, bởi năm nay rất nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp này để xét tuyển sinh. Điểm thi cao nhưng nếu các em không có năng lực thực sự thì cũng không thể theo học ở bậc đại học.

Tiến sỹ Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội nêu quan điểm: "Tâm lý của các thầy cô dù ở bậc học nào, có một tâm lý chung cũng giống như cha mẹ, đều muốn con mình, trò mình tốt và giỏi. Nhưng không vì thế mà hạ thấp chỉ tiêu đánh giá xuống làm mất đi vị thế của người thầy. Người thầy phải bao dung và người thầy phải độ lượng để công nhận sự phấn đấu và động viên sự phấn đấu vươn lên đó. Tôi hi vọng kỳ thi năm nay cũng tổ chức an toàn. Bởi vì những gì mà người ta còn nể nang, người ta còn lợi dụng thì đã có tấm gương. Sự tin tưởng của bậc giáo dục đại học như chúng tôi thì sẽ khẳng định niềm tin của nhân dân đối với giáo dục".

Từ thực tế tổ chức việc học và thi những năm gần đây có thể thấy ngoài các giải pháp kỹ thuật để giám sát kỳ thi, thì giải pháp bền vững là phải tạo ra động cơ học tập trong người học và sự tôn trọng tất cả nghề nghiệp hiện có trong xã hội. Chỉ khi nào người lớn không đánh giá tương lai của học sinh bằng điểm số của một kỳ thi, nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá dựa trên bằng cấp thì cuộc chạy đua tìm cơ hội gian dối trong học tập, thi cử mới có khả năng chấm dứt./.


Minh Hường/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/nang-cao-trach-nhiem-cua-dia-phuong-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2020-1053002.vov

  • Từ khóa