Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định thông tin ngày 23/10 về lương lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng là "hoàn toàn chính xác".
Sáng 30/10, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết mức lương tháng 8/2020 của ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng và các cán bộ, giảng viên, nhân viên trường Đại học Tôn Đức Thắng được công bố tại buổi họp báo ngày 23/10 là do lãnh đạo trường cung cấp. Theo đó, ba tháng 6, 7, 8, lương, thu nhập của ông Lê Vinh Danh (trước thuế) là 556 triệu đồng, trong khi mức bình quân của viên chức giảng dạy, viên chức hành chính, lao động giản đơn lần lượt là 23,7; 22,5 và 13,4 triệu đồng.
"Thông tin trên minh họa cho nhận định trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM là việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường chưa đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định, có sự chênh lệch lớn trong việc phân phối thu nhập giữa một số ít cán bộ, lãnh đạo với giảng viên, nhân viên", ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, trường Đại học Tôn Đức Thắng hoạt động theo cơ chế tự chủ, phải tuân thủ Quyết định 158/2015 của Thủ tướng, đó là việc chi trả thu nhập tăng thêm phải trên cơ sở công bằng và minh bạch.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ảnh: PV.
Giải thích việc ngày 23/10 họp báo công bố lương, nhưng ngày 26/10 lại có văn bản yêu cầu Đại học Tôn Đức Thắng báo cáo bằng văn bản, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, cơ quan này đã nhận được báo cáo về lương các chức danh lãnh đạo của trường Tôn Đức Thắng trước ngày họp báo. Sau đó, một số cơ quan báo chí muốn xin bảng lương có đóng dấu. Để tiện cho công tác thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu trường gửi văn bản có đóng dấu về lương.
Trao đổi với báo chí, cựu Hiệu trưởng Lê Vinh Danh cho biết, trung bình mỗi tháng nhận 407 triệu đồng. Sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định, ông thực lãnh 286 triệu đồng. Hồi đầu năm dịch bệnh bùng phát, Đại học Tôn Đức Thắng gặp khó khăn tài chính. Nhiều cán bộ tự nguyện nhận lương ít hơn trong tháng 3 và 4, phần còn lại để trường trả chậm. Ông khi đó chỉ nhận 40% thu nhập và được trả bổ sung 60% còn lại vào các tháng 6, 7 và 8. Đây là nguyên nhân khiến con số tổng thu nhập ông nhận (trước thuế) lên tới 556 triệu đồng.
Ông Danh cho rằng thu nhập mà Đại học Tôn Đức Thắng trả cho giảng viên, viên chức không theo chức danh mà theo vị trí công việc, số đầu việc phụ trách, khối lượng công việc và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Chẳng hạn cùng là giảng viên, có người thu nhập gấp 4-5 lần người khác, cùng là nghiên cứu viên có thể chênh nhau 10 lần. Ông làm việc nhiều nhất ở trường, mỗi ngày 10-13 tiếng và gần như 360 ngày mỗi năm. "Tất cả mọi việc ở trường tôi phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, mà sự chịu trách nhiệm này là vô giá", ông Danh nêu quan điểm.
Đại học Tôn Đức Thắng, tiền thân là trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Lê Vinh Danh, 57 tuổi, học vị tiến sĩ, công tác tại trường từ năm 1999. Ông Danh làm Hiệu trường trường từ tháng 7/2007, trước khi bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Danh đã có nhiều vi phạm công tác Đảng và quản lý hành chính, như duyệt chi hơn 14 tỷ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán. Ông Danh còn chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng. Ngoài ra, việc chi trả lương cán bộ của nhà trường chưa minh bạch, chênh lệch lớn giữa hiệu trưởng và giảng viên.
Đoàn Loan/Vnexpress.net