Trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ nợ xấu tăng lên.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều tối 30/10, phóng viên đặt câu hỏi: Tình hình thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trong 3 năm qua như thế nào? Hiện có 14/16 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố kết quả kinh doanh trong quý III nợ xấu tăng 30%, nguyên nhân nợ xấu tăng từ đầu năm là gì? NHNN có giải pháp cụ thể nào, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 01, sắp đến thời điểm hết hạn?
Trả lời về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sau hơn 3 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu (15/8/2017 đến 30/9/2020), 312.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng có nợ xấu tăng lên.
Nợ xấu ngân hàng tăng từ đầu năm tới nay. (Ảnh minh họa: KT)
Tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm. Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu. Các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện trong gần 3 năm qua với hiệu quả cao, các vướng mắc khó khăn được khắc phục.
Theo thống kê, luỹ kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, nợ xấu nội bảng 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8%, xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối đạt 74,9 nghìn tỷ đồng, các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỷ đồng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lý giải: Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng. "Đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng", bà Hồng nói.
Một nguyên nhân nữa, theo bà Hồng, là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.
Trong thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ, gỡ khó cho DN và người dân.
Trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, nếu dịch tiếp tục gây khó khăn cho DN, thương mại quốc tế, dịch vụ thì nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay./.
Trần Ngọc-Thiên Bình/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nhnn-ly-giai-nguyen-nhan-no-xau-tang-tu-dau-nam-nay-814051.vov