Bà Diệp Bạch Dương lừa hàng loạt lãnh đạo TP HCM

Chủ nhật, 01.11.2020 | 08:45:04
556 lượt xem

Đại gia Diệp Bạch Dương trong các cuộc thương lượng hoán đổi nhà đất với UBND TP HCM chỉ đưa bản sao có công chứng quyền sử dụng đất, bởi bản gốc đã thế chấp ngân hàng.

Trong cáo trạng truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp (72 tuổi, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) vừa ban hành, VKSND Tối cao xác định nữ đại gia bất động sản đã "qua mặt" ông Nguyễn Thành Tài (Phó chủ tịch UBND TP HCM) và nhiều lãnh đạo sở ngành trong hơn 3 năm thương thảo hoán đổi trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ số 185 đường Hai Bà Trưng lấy nhà đất 57 Cao Thắng (cùng quận 3).

Quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng đã bị thế chấp cho Ngân hàng Agribank TP HCM vay 8.700 lượng vàng. Hành vi của bà Diệp và sai phạm của hàng loạt lãnh đạo thành phố đã gây thiệt hại cho ngân sách 186 tỷ đồng (không phải 352 tỷ như cáo buộc của cơ quan điều tra trước đó).

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại cơ quan điều tra hồi tháng 1/2019. Ảnh:Bộ Công an.

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại cơ quan điều tra hồi tháng 1/2019. Ảnh: Bộ Công an.

Bà Diệp nổi danh là đại gia bất động sản do sở hữu quỹ đất lớn và đắc địa tại TP HCM. Công ty Diệp Bạch Dương có trụ sở tại 179 bis Hai Bà Trưng. Nằm gần đó, số 185 đường Hai Bà Trưng, là trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ (TTCNN, thuộc Sở Văn hóa TP HCM).

Theo cáo trạng, do TTCNN xuống cấp, năm 2007, ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc trung tâm) liên hệ một số công ty xây dựng để hợp tác, nâng cấp cải tạo, trong đó có Công ty Diệp Bạch Dương. Bà Diệp đề nghị ông Tảo hoán đổi trụ sở trung tâm lấy khu đất khu đất 57 Cao Thắng rộng 1.040 m2. Ngoài việc bù thêm phần thiếu so với giá thị trường, bà Diệp hỗ trợ xây dựng trung tâm có quy mô lớn, hiện đại hơn.

Thấy phương án này khả thi hơn việc tu sửa TTCNN, ông Tảo ủng hộ. Lúc đầu, UBND TP HCM từ chối vì không có cơ sở pháp lý nhưng sau đó ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo Văn phòng UBND TP HCM kí công văn chỉ đạo, giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở VHTT&DL, nghiên cứu và có ý kiến đề xuất.

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 09, có nhiệm vụ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM) tổ chức cuộc họp với các sở ngành trên. Ngày 7/9/2009, suốt quá trình bàn bạc về đề xuất trao đổi, bà Diệp chỉ đưa ra bản sao có công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng. Không ai trong lãnh đạo các sở ngành yêu cầu đại gia bất động sản đưa ra bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất.

Ngày 18/1/2010, bà Lan cho rằng đây là "sự việc đã rồi" nên đồng ý, chính thức ký đề xuất hoán đổi để Ban chỉ đạo 09 xem xét. Phương án hoán đổi được đề xuất như chi phí xây dựng là 25 tỷ, bà Diệp hỗ trợ thêm 5 tỷ đồng để mua trang thiết bị. Ngoài ra, nếu phần định giá đất 185 Hai Bà Trưng cao hơn thì bà Diệp sẽ bù vào. Còn ngược lại, nữ đại gia sẽ không yêu cầu nhà nước phải bù vào khoản này.

Sau khi thuê công ty định giá, nhà đất 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn khu đất 57 Cao Thắng 186 tỷ đồng. Trong thoả thuận đầu tư xây dựng TTCNN, Công ty Diệp Bạch Dương đã hỗ trợ 20 tỷ đồng nhưng khi tính toán chi phí đã lên đến 25 tỷ, phần thiếu này UBND yêu cầu bà Diệp nộp thêm.

Ngày 16/12/2011, bà Diệp không đồng ý, gửi văn bản yêu cầu huỷ bỏ việc hoán đổi nhà. Vấn đề này khiến Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín (thay ông Nguyễn Thành Tài đã về hưu) phải tổ chức họp nhiều ban ngành để lấy ý kiến. Cuối cùng, thành phố phải nhượng bộ bà Diệp với lý do "...việc hoán đổi là sự việc đã xảy ra, việc thực hiện lại chưa chặt chẽ và phù hợp với quy định hiện hành".

Thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, Sở Tài chính đã có báo cáo gửi Lãnh đạo UBND TP HCM với nội dung chấp nhận cho việc hoán đổi, giao sở Tài nguyên - Môi trường lập thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Bà Diệp sau đó đã bàn giao công trình xây dựng cho TTCNN xây mới trên khu đất 57 Cao Thắng. Đến lúc này vẫn không ai phát hiện chủ quyền nhà đất đã được thế chấp ngân hàng.

Đầu tháng 2/2013, thành phố cấp quyền sử dụng khu đất 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Bà Diệp không dùng tài sản này thay thế cho tài sản số 57 Cao Thắng đang thế chấp mà đem đi thế chấp vay 160 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank).

Tháng 4/2013, ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước tại địa chỉ 57 Cao Thắng, cho TTCNN sử dụng thời gian lâu dài. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên - Môi trường không thể làm thủ tục cấp quyền sử dụng khu đất vì bản gốc đã bị bà Diệp thế chấp cho ngân hàng. "Như vậy, Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng, không xác lập được quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 57 Cao Thắng", cáo trạng nêu.

VKSND Tối cao xác định hàng loạt lãnh đạo ban ngành TP HCM đã thiếu trách nhiệm trong việc xác minh tính minh bạch của khu đất, tạo điều kiện cho bà Diệp thực hiện hành vi gian dối, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Tài; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường); Trần Nam Trang (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM) và 3 người khác bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999, mức án 3-12 năm.

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Đào Thị Hương Lan đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đang truy nã, sẽ xử lý sau.

Bà Diệp bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a Khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân.


Quốc Thắng/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/ba-diep-bach-duong-lua-hang-loat-lanh-dao-tp-hcm-4184697.html

  • Từ khóa