Bài 1: "Chúng tôi rất xúc động trước nỗ lực của bộ đội"

Thứ 2, 02.11.2020 | 09:10:46
469 lượt xem

Những người mẹ, người vợ, người con và bao thân nhân đang mòn mỏi ngóng đợi các công nhân bị nạn trong vụ sạt lở đất ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 trở về.

Cũng từng đó đêm, những người làm công tác tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường vụ sạt lở gần như thức trắng để vừa tìm phương án vừa trực tiếp tìm kiếm người bị nạn, lo bảo đảm an toàn, làm công tác tiếp đón, động viên thân nhân của các công nhân mất tích... Họ đặt cả tính mạng mình trong sự nguy hiểm của thiên tai. 

"Không thể tin thiên nhiên lại khắc nghiệt như thế. Còn tinh thần trách nhiệm của các anh vượt quá sức tưởng tượng của tôi và mọi người trong đoàn thân nhân. Nhìn khối lượng công việc các anh làm, những bộ quần áo đẫm mồ hôi, lấm lem bùn đất, tôi hiểu các anh đang nỗ lực hết mình"-ông Ngô Viết Cường, 63 tuổi, là bác của nạn nhân Ngô Viết Huy đang mất tích, đi cùng đoàn thân nhân các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở sáng 30-10, xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Tích cực thực hiện các giải pháp tìm kiếm 

Ông Cường kể, nhà Ngô Viết Huy ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Gia đình có 5 người con, Huy là con út, năm nay 26 tuổi, ở cùng với bố mẹ vì các anh chị đã ra ở riêng. "Huy tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề, vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 làm kỹ thuật viên vận hành điện. Ngay từ hôm nghe tin, bác và gia đình giấu không cho mẹ của Huy biết, vì sợ bà sẽ bị sốc. Cả nhà đều biết bà yêu thương con út Huy lắm. Cách đây mấy ngày, bà đã biết chuyện, hiện đang rất đau buồn, do sức khỏe yếu nên hôm nay không dám đưa bà đi cùng lên đây"-ông Cường cho biết.

Bài 1:
Thân nhân các công nhân bị mất tích có mặt tại hiện trường khu vực sạt lở ở nhà máy thủy
điện Rào Trăng 3.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Cường vừa chỉ tay lên phía quả đồi đã sạt toàn bộ xuống khu nhà điều hành và lán trại của công nhân, nói: "Đúng là khối lượng đất, đá quá lớn, thảo nào cả chục chiếc máy múc làm việc suốt ngày đêm mà diện tích cần tìm kiếm vẫn còn rất lớn. Chúng tôi thấy các đồng chí đã làm việc rất trách nhiệm. Gia đình rất cảm ơn các lực lượng đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cảm ơn lãnh đạo các cấp và lực lượng vũ trang. Chúng tôi đã thấy được an ủi rất nhiều".

Cũng như ông Cường, thân nhân của các công nhân mất tích đã kinh ngạc trước cảnh tượng hàng triệu mét khối đất đá bị sạt lở với chiều cao tới vài chục mét, chiều rộng hàng trăm mét, đất đá lởm chởm, bùn đất lầy thụt, đi lại vô cùng khó khăn... Chia sẻ với người thân của các công nhân mất tích, Đại tá Mai Trọng Tuệ, cán bộ Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), cho biết: Với khối lượng đất đá khổng lồ, sự phức tạp của địa hình, biện pháp tìm kiếm hiện tại (sử dụng máy múc kết hợp dò tìm nguồn hơi người bị nạn) đã là tối ưu. Các máy múc được chia ra làm hai nhóm chính. Nhóm sát dưới bờ suối, tập trung bóc lớp đất mặt và đào sâu xuống. Nhóm tiếp theo ở trên cao, với 3 máy múc làm việc liên hoàn cuốn chiếu liên tục chuyển đất từ hiện trường ra khỏi khu vực sạt lở. Cứ như thế, từng lớp đất sẽ được chuyển lên... Mục đích là tìm kiếm từng tấc đất trong vùng sạt lở, tránh để sót lọt trong khu vực tìm kiếm. Theo kế hoạch, trong vòng vài ngày tới, các máy múc có thể bóc hết lớp đất bề mặt, tạo điều kiện cho chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng tìm kiếm.

Quan sát nhiều ngày tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, các chú chó nghiệp vụ đã rất nỗ lực trong việc dò nguồn hơi nạn nhân. Các chú chó đã tìm thấy nhiều vật dụng như quần áo, chăn màn... của các nạn nhân. Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, các chú chó nghiệp vụ được sử dụng đều rất tinh nhạy. Tuy nhiên, do lớp đất sạt lở quá dày khiến việc tìm kiếm đang gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng những ngày tới, khi lớp đất mỏng đi, chó nghiệp vụ sẽ phát huy sở trường.

Đồng cảm, chia sẻ nỗi đau

Trăn trở của các gia đình có con em mất tích cũng là điều mà các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tính tới. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ trong chuyến kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn và gặp thân nhân các công nhân mất tích ngay tại địa điểm sạt lở, cho biết, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng; tỉnh cũng vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm về vật chất, nhận người nhà công nhân bị nạn vào làm việc.

Đánh giá về công tác tìm kiếm, cứu nạn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế biểu dương nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ thuộc LLVT tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành trong triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. "Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung cao nhất mọi nguồn lực tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi cho các đội làm nhiệm vụ tại hiện trường tìm kiếm bằng được các công nhân mất tích tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chia sẻ nỗi đau với thân nhân của các nạn nhân...", đồng chí Phan Ngọc Thọ cho biết.

Trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Lê Văn Phùng, bố đẻ của công nhân mất tích Lê Văn Thịnh và ông Tạ Văn Chính, bố đẻ của công nhân mất tích Tạ Văn Nghĩa đã cảm thấy nhẹ lòng hơn. Ông Phùng cho biết, Nghĩa và Thịnh là hai anh em họ gần, cùng ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Hai anh em rủ nhau vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 làm việc, cùng tham gia lái máy cẩu tháp. "Hai anh em nó ngoan lắm, hầu hết tiền lương các cháu đều gửi về cho bố mẹ...", ông Phùng chia sẻ.

Chưa thể vượt qua nỗi đau, chị Mai Thị Thu Thủy, 35 tuổi, là vợ của nạn nhân đang mất tích Nguyễn Thái Hợp, lúc nào cũng hai hàng nước mắt giàn giụa dõi theo từng gầu đất của máy múc và từng động thái của các chú chó nghiệp vụ đang miệt mài tìm kiếm. Chị Thủy cùng thân nhân các công nhân mất tích ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đang đặt tất cả niềm tin vào các anh, những người lính Cụ Hồ.

(còn nữa)


Bài và ảnh: HÒA HIẾU - HẢI CHUNG/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-chung-toi-rat-xuc-dong-truoc-no-luc-cua-bo-doi-642600

  • Từ khóa