Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của các cơn bão gây ra mưa lớn, nên hoạt động tìm kiếm các công nhân mất tích tại hiện trường vụ sạt lở ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 liên tục bị gián đoạn. Mỗi khi thời tiết cho phép, các đội công tác lại khẩn trương triển khai nhiệm vụ với nỗ lực cao nhất.
Đi cùng các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế, chứng kiến sự vất vả của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi thấy rõ những việc làm đầy trách nhiệm, vượt nguy hiểm, gian nan của các anh.
Trung tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: "Để sớm tìm được các nạn nhân, toàn bộ lực lượng phải chạy đua với thời gian, tranh thủ từng phút, từng giây khi trời không mưa. Máy móc phải vận hành liên tục. Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp để tìm kiếm nạn nhân mất tích, trong đó coi trọng việc phát huy vai trò của "bốn tại chỗ" trong tìm kiếm cứu nạn...". Bốn tại chỗ, bao gồm chỉ huy thống nhất tại chỗ. UBND tỉnh chỉ đạo lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo mọi công tác theo phương án thống nhất đã được bàn bạc. Chỉ huy thống nhất từ sở chỉ huy tiền phương tới các bộ phận tại công trường. Thứ hai là lực lượng tại chỗ, lấy lực lượng của Bộ CHQS tỉnh làm nòng cốt, phối hợp với lực lượng biên phòng, công an tỉnh; các sở, ban, ngành... Ngoài ra, lực lượng tại chỗ còn bao gồm lực lượng tại công trường của các nhà máy thủy điện. Thứ ba là huy động phương tiện tại chỗ. Các lực lượng đều phải có phương tiện. Trọng tâm là các phương tiện chuyên dùng như máy xúc, máy ủi, xe ben... Thứ tư là hậu cần tại chỗ. Tại hiện trường thường xuyên bị chia cắt bởi đường giao thông sạt lở do mưa lớn, công tác tiếp tế bảo đảm hậu cần cho hàng trăm người ngày đêm làm nhiệm vụ là rất khó khăn, nguy hiểm. Cứ có người làm việc ở đâu, hậu cần phải tới đó...
Bộ đội Biên phòng sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường. |
Những hiểm nguy trong quá trình tìm kiếm tại hiện trường luôn rình rập, bởi đất lở, đá lớn có thể tiếp tục sạt và lăn xuống bất kỳ lúc nào, ngay cả khi trời không mưa. Với địa hình đồi núi nhiều dốc đứng, kết cấu địa chất kém bền vững, thì công tác tìm kiếm cứu nạn phải tính toán thật kỹ để bảo đảm an toàn. Tại hiện trường, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã phải tổ chức canh gác, cảnh báo bằng pháo hiệu, loa công suất lớn khi có dấu hiệu nguy hiểm. Trung tá Phan Thắng cho biết, ngoài sạt lở, đá lăn từ trên cao xuống, nguy cơ sạt lở, sụt lún ngay tại địa điểm các công nhân bị vùi lấp cũng rất lớn, bởi nền đất yếu, lại no nước.
Theo dõi trong hai tuần, chúng tôi thấy rõ tác động tiêu cực của nước mưa tới khu vực này. Mỗi khi trời mưa, lập tức xảy ra hàng chục điểm sạt lở trên tuyến đường độc đạo, khiến xe cộ không thể lưu thông. Muốn cơ động lực lượng, phương tiện phải tốn rất nhiều thời gian sửa chữa đường sá. Có nhiều đoạn bộ đội công binh phải khắc phục mất gần một tuần vì có nhiều đá lớn chặn ngang đường. Điều này lý giải tại sao cứ khi nào xuất hiện mưa lớn thời gian dài, thì công tác tìm kiếm lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại, nhưng công tác tìm kiếm cứu nạn ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn được thực hiện với những nỗ lực vượt bậc. Mỗi khi mưa ngớt, lực lượng tìm kiếm lại lao ngay vào công việc, hy vọng tìm được người bị nạn trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng thấy, trong gian khó luôn sáng lên nghĩa tình cao đẹp giữa bộ đội và nhân dân, giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ. Trong đêm ở lại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động. Khi xảy ra lở đất, đồ đạc của các công nhân ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 hầu hết bị vùi lấp, cuốn trôi, nhưng các công nhân ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đã kịp thời chia sẻ. Thậm chí cả chỗ ngủ, nghỉ họ cũng nhường lại cho những người từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 trở về. Bản thân họ cũng quyết tâm bám trụ để vận hành nhà máy an toàn và trợ giúp cho lực lượng tìm kiếm...
Đêm khuya tĩnh lặng, chỉ còn tiếng trao đổi khe khẽ giữa mấy đồng chí trong Đội quy tập mộ liệt sĩ (thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế) với nhóm phóng viên chúng tôi. Các anh tâm sự rằng, chuyến công tác này là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất, nhưng đây cũng là đợt tìm kiếm lớn nhất họ từng trải qua... Nhiệm vụ phía trước còn gian nan, nhưng cũng như biết bao lần đón các liệt sĩ trở về, anh em đều xác định những người bị nạn ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 là đồng chí, đồng bào, cũng như người thân trong gia đình mình, nên phải nỗ lực hết sức để tìm kiếm bằng được trong thời gian ngắn nhất...
Bài và ảnh: HÒA HIẾU - HẢI CHUNG/QDND.VN