“Gian hàng Việt trực tuyến”: Cơ hội cho sản phẩm Made in Việt Nam

Thứ 6, 25.12.2020 | 15:30:45
435 lượt xem

Gian hàng trực tuyến có sự kiểm soát và bảo trợ chất lượng thì hàng hóa sẽ có uy tín hơn rất nhiều, đặc biệt trong xuất khẩu.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam - quảng bá, phân phối hàng hóa khá tốt. Tuy nhiên, phương thức hữu hiệu thông qua “thương trường ảo” lại chưa được khai thác hiệu quả-bền vững, do chưa có chương trình hành động thống nhất.

Sự ra đời của “Gian hàng Việt trực tuyến” với sự bảo trợ của Bộ Công Thương là cơ hội cho sản phẩm Việt, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt. Một trong những đơn vị đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội.

“Gian hàng Việt trực tuyến” với sự bảo trợ của Bộ Công Thương là cơ hội cho sản phẩm Việt, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt.

“Gian hàng Việt trực tuyến” với sự bảo trợ của Bộ Công Thương là cơ hội cho sản phẩm Việt, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, thành phố đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế thực hiện nhiều chương trình giúp quảng bá và phân phối hàng hóa, đặc sản vùng miền Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid19, hoạt động giao thương trực tiếp bị gián đoạn, Trung tâm cũng đã thúc đẩy kết nối trên sàn thương mại điện tử, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi.

“Hà Nội phối hợp với JICA Nhật Bản cùng sự tham gia của 60 tỉnh, gần 200 doanh nghiệp chuyên cung ứng các sản phẩm đặc sản vùng miền. Trung tâm có 1 trang với 1.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó hơn 400 chuỗi sản xuất nông sản sạch nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở đó vì thực ra khả năng quản lý cũng không cho phép. Trang đó đang chỉ mang tính chất chỉ ra người đang làm sản phẩm sạch gặp người có nhu cầu mua. Thực tế đòi hỏi phải làm gì đó khác thực sự hiệu quả để có thể phân phối sản phẩm Việt Nam tới tất cả người tiêu dùng”, bà Mai Anh nói.

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc Sàn thương mại điện tử Sendo cũng nêu dẫn chứng khẳng định thực tế này, vì để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng phải đáp ứng 2 yêu cầu chính là hàng hóa phải có thương hiệu và chất lượng, thứ 2 là phải đáp ứng được đối tượng khách hàng mà sàn đang có.

“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai quy mô trên diện rộng khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng vì hai rào cản đó và vấp phải sự không tin tưởng. Doanh nghiệp họ cũng đang cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống hơn là hợp tác với Sàn, bằng việc cung cấp cho Sàn khối lượng lớn và giá thành hợp lý hơn”, ông Thuật thông tin.

Có thể nói, đây là tình trạng chung trong suốt thời gian qua, khi các tỉnh, thành, ngành và đa số doanh nghiệp đang thực hiện các chương trình hành động riêng lẻ dựa trên nhu cầu, khả năng và cả nhận biết chưa thực sự đầy đủ về tiềm năng của thương mại điện tử.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khi làm việc với doanh nghiệp, nếu có “Gian hàng Việt trực tuyến” thì sự hỗ trợ sẽ hiệu quả, thiết thực hơn. Bởi khi có sự bảo trợ của Bộ Công Thương, bằng sự kiểm soát và bảo trợ chất lượng thì hàng hóa sẽ có uy tín hơn rất nhiều, đặc biệt trong xuất khẩu.

“Quá trình chuyển đổi số rất chậm khiến chúng ta thụt lùi so với các nền kinh tế khác. Chuyển đổi số với doanh nghiệp là cực kỳ thách thức nên khi có 1 gian hàng Việt, với sự cung cấp, chia sẻ giải pháp của 1 DN sẽ có sự huy động trí tuệ và giảm chi phí, sẽ hỗ trợ cho các DN khác. Một sản phẩm Việt đi ra thị trường thực ra là bơi trong bể với rất nhiều sàn giao dịch, nếu có 1 gian hàng chung thì việc làm thị trường của DN sẽ hiệu quả hơn”, ông Hải phân tích.

Không chỉ mang lại lợi ích cho các DN Việt, cho hoạt động sản xuất kinh doanh của địa phương có mặt hàng được phân phối trên thương mại điện tử, cơ quan chức năng khẳng định, việc phân phối hàng Việt trên “Gian hàng Việt trực tuyến” cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi chính đáng: Được tiêu dùng sản phẩm chất lượng – made in Việt Nam, với chi phí thấp và góp phần thúc đẩy sản xuất nội địa.

Vấn đề còn lại, tiếp tục cần sự đồng thuận tham gia có trách nhiệm của mọi thành phần liên quan tới hoạt động này, đặc biệt là các DN thương hiệu Việt uy tín và người tiêu dùng Việt để “gian hàng” phát huy hiệu quả như mục tiêu đặt ra. "Gian hàng Việt trực tuyến" đang được triển khai thí điểm trên 3 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki./. 


Thu Trang/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/gian-hang-viet-truc-tuyen-co-hoi-cho-san-pham-made-in-viet-nam-826552.vov

  • Từ khóa