Du lịch Việt Nam nỗ lực tăng sức cạnh tranh giai đoạn hậu Covid-19

Thứ 7, 26.12.2020 | 09:16:09
1,037 lượt xem

Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đứng thứ 63/140, theo xếp hạng năm 2019 của WEF. Để cải thiện xếp hạng này, ngành du lịch không thể "đơn thương độc mã".

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đứng thứ 63/140, tăng 4 bậc so với xếp hạng năm 2017 (67/136), được chấm điểm theo 14 trụ cột, 90 nhóm chỉ số.

Đánh giá của WEF cho thấy, chỉ số cạnh tranh cao nhất mà Việt Nam đạt được là sức cạnh tranh về giá (đứng thứ 22), tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (29) và tài nguyên thiên nhiên (35). Nhóm các chỉ số tăng hạng nhanh nhất là mức độ mở cửa quốc tế, cạnh tranh giá, hạ tầng hàng không; nhóm tụt hạng nhiều nhất là hạ tầng mặt đất và cảng, nhân lực và thị trường lao động; nhóm xếp hạng cạnh tranh thấp nhất vẫn là sự bền vững về môi trường (121), hạ tầng dịch vụ du lịch (106) và mức độ ưu tiên cho du lịch (100).

Chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam năm 2019, theo WEF. Mức điểm trung bình là 3,9/7, xếp hạng 63/140, có sự cải thiện so với các năm 2015 (3,6 điểm, thứ hạng 75/141) và 2017 (3,8 điểm, thứ hạng 67/136).

Chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam năm 2019, theo WEF. Mức điểm trung bình là 3,9/7, xếp hạng 63/140, có sự cải thiện so với các năm 2015 (3,6 điểm, thứ hạng 75/141) và 2017 (3,8 điểm, thứ hạng 67/136).

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến toàn ngành, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 227 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2019. Trên 260 đơn vị vận chuyển khách dừng hoạt động, doanh thu ước giảm khoảng 69%. Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 25%, doanh thu sụt giảm 57,88% so với cùng kỳ.

Dự báo sau khi mở lại du lịch quốc tế, sự cạnh tranh giữa các nước sẽ vô cùng khốc liệt. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành du lịch rất cần đến sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan cũng như sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp.

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam theo các chỉ số WEF và phù hợp với bối cảnh mới”, TS Phạm Lê Thảo cho rằng, sức khỏe của ngành du lịch phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa thật sự được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trong đại dịch Covid-19.

Theo TS Phạm Lê Thảo, các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, được hưởng các chính sách như chậm nộp và giảm mức nộp một số loại thuế; được các ngân hàng hỗ trợ vay 50% tiền ký quỹ hoạt động lữ hành để duy trì công ty; được hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mới để chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vắng bóng khách du lịch do Covid-19. Nguồn: Vũ Miền

Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, các bộ, ngành khác cũng phải nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trong phạm vi quản lý của mình và "bắt tay" cùng với ngành du lịch thì mới có thể nâng cao vị trí của du lịch Việt Nam trong xếp hạng của WEF.

"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, năng lực cạnh tranh của du lịch phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của các ngành liên quan; trong 14 nhóm chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành du lịch có nhiều chỉ số gắn với các ngành khác như giao thông vận tải, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường…" - bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Theo TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), các chỉ số và xếp hạng của WEF chính là động lực để du lịch Việt Nam thay đổi, khắc phục các vấn đề nội tại. Sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19, khách du lịch quốc tế có thể kéo đến ồ ạt, vậy nên phải kiểm soát số lượng, định hướng dịch vụ cao cấp hơn, song song với việc tạo sinh kế để người dân hưởng lợi từ du lịch.

"Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì du lịch cần có nguồn lực tốt hơn. Những gì ngành du lịch không làm được thì phải có tiếng nói để kết nối các bên cùng nhau làm" - TS Nguyễn Đình Cung cho biết.

TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo “Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam theo các chỉ số WEF và phù hợp với bối cảnh mới”.

Trước mắt, ngành du lịch sẽ phải "tự thân vận động" – tức là tập trung cải thiện các chỉ số, khắc phục các vấn đề trong khả năng làm được, ví dụ như tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, cải thiện công tác quản lý điểm đến, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn đề phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng mới.

Về dài hạn, ngành du lịch cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác để tập trung giải quyết các nhóm chỉ số xếp hạng thấp trên thế giới, nhóm chỉ số xếp kém xa các nước trong ASEAN như về môi trường (cùng với Bộ Tài nguyên & Môi trường), hạ tầng du lịch (cùng với Bộ Giao thông vận tải), môi trường kinh doanh (cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học & Công nghệ) và mức độ mở cửa quốc tế (cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải)./.


Hải Nam/VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/du-lich-viet-nam-no-luc-tang-suc-canh-tranh-giai-doan-hau-covid-19-826614.vov

  • Từ khóa