Xử trí một số tình huống thường gặp ở trẻ

Chủ nhật, 19.01.2020 | 11:52:57
1,190 lượt xem

Trong những ngày Tết, nếp sống sinh hoạt thường bị đảo lộn, cùng với thời tiết lạnh bất thường khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nhiều.

 Những bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp cũng như cảm, sốt, nhức đầu, thường rất dễ xảy ra. Do đó, mỗi bậc cha mẹ cần phải trang bị cho mình những kiến thức cũng như một số thuốc để đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra đối với trẻ.

Rối loạn tiêu hóa

Đây là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ dịp Tết do nhiều gia đình thường để trẻ tự do ăn uống, vui chơi mà không nhận thấy rằng chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng với quá nhiều chất đạm, tinh bột nhưng lại ít khoáng chất và vitamin chính là lý do khiến trẻ dễ bị suy giảm miễn dịch gây rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa dễ dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, suy nhược cơ thể do ăn không hấp thu được, khiến suy yếu hệ miễn dịch (do 75% kháng thể của cơ thể là do vi khuẩn có lợi sản xuất, khi rối loạn tiêu hóa gây giảm số lượng lợi khuẩn trong đường ruột). Do vậy, nên dự trữ một ít thuốc trị chứng đầy hơi, khó tiêu, thuốc tiêu chảy trong tủ thuốc gia đình đề phòng những bệnh đường tiêu hóa do ăn uống.

Xử trí khi trẻ tiêu chảy cấp

Trẻ được cho là bị tiêu chảy cấp khi đi ngoài trên 3 lần mỗi ngày, phân lỏng, có nước. Đây là tình trạng nhiều bé gặp phải trong những ngày Tết do thói quen cho trẻ ăn những loại bánh, kẹo, đồ ăn vặt sẵn có, những đồ ăn này đã được dự trữ lâu ngày và không đảm bảo vệ sinh... Trẻ thường có biểu hiện kèm theo như nôn, sốt, đau quặn bụng... Hậu quả nghiêm trọng nhất do tiêu chảy cấp ở trẻ em là mất nước và điện giải, trường hợp nặng có thể gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị suy kiệt, mệt lả, thóp lõm, chân tay lạnh,... Chính vì vậy, cha mẹ cần mua dự phòng vài chục gói oresol để đề phòng trong nhà có người bị tiêu chảy cần được bù lượng nước đã mất.

Oresol có tác dụng tăng cường hấp thu natri và nước ở lòng ruột, bù kali đã bị mất do đi ngoài (đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, vì trẻ mất kali trong phân cao hơn người lớn). Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng quá đều làm mất tác dụng của thuốc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dùng các loại thuốc nhằm mục đích làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột nên làm tăng độ đặc của phân như loperamid; các thuốc dẫn xuất từ nấm men và vi khuẩn như: antibiophilus, byosybtin... Trong trường hợp trẻ đi ngoài nhiều, lẫn máu và nôn mọi thứ sau ăn, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để có thể điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Các vấn đề về hô hấp

Cứ vào dịp Tết hàng năm, số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp như: sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi... thường tăng cao. Bệnh thường phát sinh và lây truyền nhanh trong dịp Tết vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng. Khi bị ốm, trẻ thường quấy khóc, ho, ngạt mũi, hắt hơi... sẽ làm bắn nước bọt, đờm dãi ra xung quanh có kèm theo vi khuẩn, virus, trẻ khỏe thở hít phải nên bị lây bệnh. Vì vậy, những ngày Tết không nên cho trẻ nhỏ đi chơi xa, đi tàu xe dài ngày, các bậc cha mẹ cần nuôi dưỡng, bảo vệ và chăm sóc trẻ chu đáo, đảm bảo chế độ ăn uống vệ sinh trong dịp Tết, cho trẻ mặc đủ ấm.

Khi trẻ mắc bệnh phải điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Trong tủ thuốc gia đình nên có sẵn nhiệt kế, thuốc hạ sốt (paracetamol, ibuprofen...), dung dịch nhỏ mũi, nhỏ mắt, gói oresol... để dùng khi cần thiết.

Xử trí khi trẻ bị hóc dị vật

Hóc dị vật là tai nạn thường xuyên xảy ra khi trẻ ăn, chơi. Đặc biệt trong dịp Tết, sự hiện diện của các loại hạt dưa, hạt hướng dương, mứt lạc, thạch... trong đĩa bánh kẹo mời khách càng khiến nguy cơ hóc dị vật tăng lên. Gặp những trường hợp này, cha mẹ cần xử trí đúng để tránh cho trẻ có thể bị tử vong do ngạt.

Xử trí một số tình huống thường gặp ở trẻ

Vỗ lưng cho trẻ.

Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần ngay lập tức nhờ người hỗ trợ gọi xe cấp cứu. Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức (nhất là hóc thạch, miếng thạch hình trụ, trơn, rất dễ bít kín đường thở của trẻ). Tuyệt đối, không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt ngực xuôi xuôi. Nếu không dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, thậm chí vào phổi.

Phát hiện trẻ hóc dị vật, ngay lập tức cho trẻ nằm sấp dọc trên 1 tay của người lớn (nếu trẻ nặng đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai), khoảng 5 cái để kích thích ho, dị vật bắn ra theo đường ho. Sau khi làm xong, nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Sau khi sơ cứu, thấy trẻ còn cháo, sữa, canh... chảy từ mũi, miệng ra thì cần lau, hút sạch để trẻ được thông thoáng đường thở, rồi lập tức đưa trẻ đến viện.

Nếu xuất hiện dịch bệnh đường hô hấp nên đề phòng bằng cách

Ngoài chăm sóc ăn uống, cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch sunfarin hoặc natriclorid 0,9%, không cho trẻ ốm đi nhà trẻ, mẫu giáo để tránh lây lan cho trẻ khác. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm những thực phẩm dễ tiêu tránh dầu mỡ, có chứa nhiều chất khoáng và vitamin như các loại nước trái cây. Trong trường hợp bé sốt quá cao, cảm cúm nhiều ngày, mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế khám và xử trí để tránh những biến chứng như sốt siêu vi, viêm phổi...

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-mot-so-tinh-huong-thuong-gap-o-tre-n167939.html

  • Từ khóa