Hơn 150 người bị phạt vì đốt pháo

Chủ nhật, 26.01.2020 | 09:45:06
641 lượt xem

HÀ TĨNH - Sau giao thừa Tết Canh Tý, công an thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc đã bắt quả tang và xử phạt 152 người đốt pháo.

Một số người vi phạm bị cảnh sát lập biên bản xử lý. Ảnh: C.A

Một số người vi phạm bị cảnh sát lập biên bản xử lý. Ảnh: C.A


Công an thị xã Kỳ Anh cho biết, rạng sáng 25/1 (mùng 1 Tết) đã cử hơn 230 cán bộ thành lập 24 tổ công tác tuần tra lưu động, bắt 48 người đưa về trụ sở lập biên bản, xử lý về hành vi đốt pháo và tàng trữ pháo trái phép.

"Tình hình nổ pháo trước, trong vào sau giao thừa năm nay giảm so với năm ngoái. Địa bàn không xảy ra các vụ nổ mìn, cháy và tai nạn thương tích về pháo", lãnh đạo Công an thị xã Kỳ Anh nói.

Tại huyện Nghi Xuân, hàng trăm cảnh sát đã tổ chức mật phục tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn, bắt quả tang 34 người đốt pháo. Người vi phạm bị tạm giữ 12 tiếng tại trụ sở, sau đó được cho về. Họ phải phải ký vào biên bản, cam kết không tái phạm, ra Tết nộp phạt hành chính.

Người vi phạm phải ký biên bản nộp phạt hành chính, cam kết không tái phạm. Ảnh: C.A

Người vi phạm phải ký biên bản nộp phạt hành chính, cam kết không tái phạm. Ảnh: C.A


Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê. Nhà chức trách địa phương phát hiện hàng chục vụ đốt pháo, bắt và lập hồ sơ xử phạt 70 người, thu 20 kg pháo các loại, 2 quả mìn cùng nhiều tang vật liên quan.

Theo cảnh sát, việc mật phục và bắt người nổ pháo rất khó, vì họ ném pháo lên trời xong thì rời đi. Lực lượng chức năng phải cải trang, túc trực nhiều giờ tại các địa bàn trọng điểm để quay phim, ghi hình, bắt quả tang người vi phạm.

Pháo nổ được cảnh sát tịch thu tại huyện Đức Thọ. Ảnh: C.A

Pháo nổ được cảnh sát tịch thu tại huyện Đức Thọ. Ảnh: C.A


Năm nay Hà Tĩnh tổ chức bắn giao thừa ở ba điểm gồm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh. Kinh phí cho hoạt động này được xã hội hóa. UBND tỉnh giao Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức bảo quản, bắn pháo hoa đảm bảo tiết kiệm và an toàn tuyệt đối.

Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.

Điều 10 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Đức Hùng/vnexpress.net

https://vnexpress.net/thoi-su/hon-150-nguoi-bi-phat-vi-dot-phao-4046804.html

  • Từ khóa