Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét

Thứ 5, 21.12.2023 | 09:13:20
548 lượt xem

Các tỉnh miền núi phía bắc đang hứng chịu đợt rét đậm đầu tiên trong mùa đông năm nay. Ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ tại nhiều nơi hạ thấp, còn dưới 6oC. Trong khi đó, chỉ còn gần hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hộ nông dân đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng để cung cấp thực phẩm ra thị trường. Nhằm tránh thiệt hại về kinh tế, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân có biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi và cây trồng.

Ðàn trâu nhà ông Má A Páo (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) đã có nguồn thức ăn (được chủ động dự trữ từ trước) trong những ngày giá rét không thể chăn thả. (Ảnh THÀNH TÂM)

Từ ngày 16/12 đến nay, địa bàn các huyện vùng cao của các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ trung bình phổ biến từ 6-15oC. Tại khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), nhiệt độ có lúc giảm xuống còn 1-2oC, ảnh hưởng lớn đến cây trồng và vật nuôi.

Xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), nơi có đỉnh núi cao hơn 1.500m so với mực nước biển, khí hậu rất khắc nghiệt. Vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ tại khu du lịch Mẫu Sơn có thể giảm xuống âm, xuất hiện băng tuyết. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mẫu Sơn Dương Trồng Mình cho biết: ngay từ đầu mùa đông, xã đã tuyên truyền, vận động người dân không thả rông trâu bò khi xảy ra rét hại, rét đậm; khi nhiệt độ dưới 12oC không sử dụng gia súc để cày, kéo, không di chuyển đàn trâu bò ra khỏi vùng núi cao; gia cố chuồng trại, bảo đảm khô ráo, che chắn chuồng đủ ấm; chủ động dự trữ thức ăn khô như: rơm, phụ phẩm nông nghiệp…

Vì thế đàn gia súc vẫn được các hộ dân duy trì phát triển với số lượng khá. Xã có 296 hộ gia đình, mỗi hộ đều nuôi từ hai đến bốn con trâu bò. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình Nguyễn Hữu Thuân nhận định: Lộc Bình là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi có gió mùa đông bắc tràn về. Do nằm gần dãy núi Mẫu Sơn, cho nên nhiệt độ luôn thấp so với các khu vực khác trong tỉnh. Hằng năm, khi mùa đông đến huyện đều chú trọng đến công tác phòng chống đói rét cho gia súc…

Các xã thành lập các tổ công tác xuống thôn bản và hộ gia đình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói rét cho gia súc; di chuyển đàn trâu bò thả rông về chỗ nuôi nhốt để kiểm soát; đồng thời cùng các thú y viên, khuyến nông viên ở cơ sở tăng cường phổ biến các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi; dự trữ thức ăn tinh, thức ăn khô (rơm, rạ) cho những ngày giá rét, tuyệt đối không để gia súc bị chết vì đói rét.

Tại xóm Pác Háo, xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hứa Thế Hữu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm cho biết, xóm có 50 gia đình, nuôi 82 con trâu bò và khoảng 300 con lợn. Từ cuối năm 2023, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân về biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Từ tháng 11/2023, xóm đã huy động các đoàn thể và đảng viên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ thức ăn cho gia súc, quây, che chắn và hằng ngày vệ sinh nền chuồng trại bảo đảm khô ráo.

Những ngày này nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giảm sâu, nhất là tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà nhiệt độ giảm xuống mức rét đậm, rét hại. Ðể bảo vệ cho đàn gia súc, chính quyền địa phương cùng với người dân đã chủ động thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp chống rét. Gia đình ông Má A Páo ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, có bốn con trâu, cho nên ông đã chủ động tích trữ cỏ, xây chuồng trại kiên cố, giúp đàn trâu của gia đình có đủ dinh dưỡng và khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Ông Má A Páo cho biết: “Trời lạnh thì tôi nhốt trâu vào chuồng rồi đi cắt cỏ cho trâu ăn chứ không chăn thả. Các cơ quan chức năng cũng hướng dẫn gia đình tôi che chắn chuồng trại và các biện pháp giữ ấm cho trâu”. Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã có 4.107 hộ chăn nuôi đại gia súc với tổng số gia súc lớn là 13.350 con, trong đó đàn trâu là 10.172 con, đàn bò 3.515 con, đàn ngựa 351 con. Số hộ có chuồng trại đạt 93,6%. Có 3.343 hộ đã chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc, đạt 81,4%, bao gồm: trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, thức ăn tinh, thô. Có 1.698 hộ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc trên diện tích 247 ha.

Tại Bắc Kạn, ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là Ðoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ các cấp vào cuộc giúp hộ nghèo bảo vệ đàn gia súc. Những xã chưa có thú y viên cơ sở thì điều động, bố trí thú y viên từ xã khác về hỗ trợ tiêm phòng cho gia súc.

Ðợt rét đậm, rét hại bắt đầu tràn về các tỉnh miền núi phía bắc vào ngày 16/12, thì ngay trong sáng 18/12, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã cùng các phòng, ban liên quan lên đường đi kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Tỉnh Bắc Kạn hiện có 65.035 con trâu, bò, ngựa và 21.850 con dê. Phần lớn số gia súc này được chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức bán chăn thả. Thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào cỏ tự nhiên.

Do vậy, vào mùa đông, nếu không chủ động nuôi nhốt, bảo đảm đủ thức ăn sẽ dễ khiến gia súc bị chết. Ðoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế các chuồng trại chăn nuôi, các diện tích cây trồng. Phần lớn các chuồng trại đều đã được người dân chủ động quây bạt che chắn kỹ. Người dân cũng thu gom rơm, rạ tích trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Khi phát hiện bất cập trong công tác phòng chống rét cho vật nuôi, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục ngay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Rì (Bắc Kạn) Lương Thanh Lộc cho biết, phần lớn các xã của huyện nằm trong khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ với nhiều diện tích rừng đặc dụng, núi đá cao. Do vậy, thời tiết tại huyện không chỉ lạnh hơn các địa phương khác, mà còn ẩm ướt, càng khiến nhiệt độ xuống thấp hơn, dễ gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi. Ðể chủ động phòng chống, từ giữa năm, huyện đã ban hành phương án phòng chống rét cụ thể. Khi rét về, huyện đã giao phòng chuyên môn chủ động, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng xã triển khai.

Ðối với cây trồng, làm đất sớm sẽ tránh được rét đậm, rét hại. Ngay từ tháng 11/2023, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo người dân khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do dông, mưa lũ, kịp thời giải phóng đất chuẩn bị cho gieo trồng cây vụ đông.

Tại tỉnh Lạng Sơn, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các địa phương bám sát thông tin dự báo thời tiết khi sản xuất vụ đông-xuân, đề phòng nhiệt độ giảm sâu gây ra băng tuyết, sương muối có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh trưởng của cây.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/bao-ve-cay-trong-vat-nuoi-trong-gia-ret-post788512.html

  • Từ khóa