Hà Nội bước vào đợt rét đậm, rét hại đầu tiên. Khi nhu cầu mua áo đại hàn của khách tăng cao, người bán lẻ, các thương hiệu trong nước không giảm giá, thậm chí đẩy giá bán so với đầu mùa.
Hà Nội rét đậm, doanh thu bán áo ấm tăng từ 8 triệu lên 80 triệu đồng
Miền Bắc có nền nhiệt giảm sâu từ ngày 18/12. Đợt lạnh này dự kiến kéo dài đến hết ngày lễ Giáng sinh (24/12) với nhiệt độ dao động khoảng 10-12 độ C.
Trước đó, không ít người nghĩ miền Bắc năm nay không có mùa đông, nóng như mùa hè. Do vậy, họ không có ý định sắm quần áo ấm. Ngay sau khi miền Bắc đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên, lượng đơn hàng của các cửa hàng tăng đột biến.
Nguyễn Phương - chủ cửa hàng quần áo ở Long Biên (Hà Nội) - cho biết chỉ trong một tuần, cửa hàng chị có doanh thu gần 80 triệu đồng, trong khi cả tháng trước đó doanh thu chỉ đạt 8 triệu đồng. Ngay khi Hà Nội đón đợt rét đầu tiên, cửa hàng chị Phương "bão đơn" cả trên các nền tảng online lẫn bán trực tiếp ở cửa hàng.
Trời lạnh sâu, người dân miền Bắc đổ xô đi mua áo đại hàn chống rét (Ảnh: Quang Minh).
Các sản phẩm bán chạy chủ yếu là áo phao, áo dạ, mũ len, áo giữ nhiệt và các phụ kiện như tất, găng tay. Chỉ trong một tuần, chị Phương bán được gần 70 chiếc áo phao lông vũ.
Theo chia sẻ của chị Phương, tháng trước, chị giảm giá sản phẩm áo phao lông vũ chỉ còn 499.000 đồng/chiếc nhưng không ai mua. "Mọi người đồn nhau năm nay không lạnh, tôi rất lo lắng với gần 500 chiếc áo đã nhập", chị kể. Khi trời trở lạnh, chị bán áo nguyên giá, 899.000 đồng nhưng khách mua nhiều.
Với những khách hàng mua qua nền tảng sàn thương mại điện tử và trang cá nhân của chị Phương, 90% khách hàng đều kèm ghi chú muốn được nhận hàng sớm. Theo nhận định của chị, đa số mọi người không quá quan tâm đến giá cả, thay vào đó, ai cũng muốn nhanh nhận được sản phẩm ưng ý, chất lượng.
Ngoài áo lông vũ, chị Phương nâng giá bán các sản phẩm phụ kiện như tất, găng tay hay mũ len cho bé. Chị Phương cho biết thời điểm cuối năm, hàng khan hiếm, nhập hàng mới phải chờ đợi lâu nên dù tăng giá, chị vẫn bán được hàng.
Thương hiệu trong nước không giảm giá áo đại hàn
Tuấn Minh - chủ cửa hàng đồ nam ở đường Láng (Hà Nội) nói anh làm việc 14 tiếng mỗi ngày kể từ khi trời trở lạnh. Cửa hàng của Minh chỉ bán online. Sản phẩm chủ yếu là áo măng tô dáng dài với giá bán mỗi sản phẩm từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.
Thông thường, khách hàng có hóa đơn trên 5 triệu đồng sẽ được giảm giá 10%. Tuy nhiên những ngày này, vì khách hàng đông, các mẫu còn không nhiều, Tuấn Minh bỏ chương trình giảm giá nhưng lượng khách vẫn không giảm.
Linh Trang - "con nghiện" mua sắm, cho biết cô đã tiêu tốn gần 10 triệu đồng để sắm quần áo rét cho gia đình. Những ngày này, Trang thường lựa chọn mua hàng ở các thương hiệu thời trang nhanh lớn.
Bởi thường vào dịp cuối năm, các thương hiệu trên đều chạy giảm giá nhẹ từ 10% đến 20%. Trong khi đó, các thương hiệu trong nước dường như không giảm giá, thậm chí còn đẩy giá bán cao hơn bình thường.
Các cửa hàng bán áo rét đại hàn thương hiệu trong nước dường như không giảm giá (Ảnh: Thế Hưng).
Trang lấy ví dụ về một sản phẩm áo dạ dáng dài. Tại Mango, sản phẩm này có giá bán 2,5 triệu đồng, đã giảm 10%. Trong khi đó, những người bán hàng Trung Quốc hay các thương hiệu trong nước giữ nguyên mức giá với sản phẩm áo dạ dáng dài có kiểu dáng tương tự và giá bán chênh lệch khá nhiều, lên tới 4-5 triệu đồng.
Hải Anh (Hà nội) quan điểm không mua sắm gấp gáp. Cô đã mua đủ quần áo rét từ đầu tháng 11. Hải Anh cho biết mùa đông miền Bắc ngày càng đến muộn nhưng chắc chắn sẽ lạnh. Do vậy, ngay từ cuối mùa thu, cô đã chủ động tìm các sản phẩm ưng ý và đặt hàng từ sớm để có mức giá ổn định.
Theo cô, mua sắm trong trạng thái gấp gáp sẽ ít lựa chọn, bị phụ thuộc vào người bán và đôi khi là mua phải mức giá cao hơn so với giá gốc. Do vậy, nếu có thể, hãy ưu tiên mua hàng sớm để được mua với giá tốt.
Ngoài ra, Hải Anh cho rằng người bán hàng nếu không giảm giá thì nên bán đúng giá, thay vì tăng giá, gây mất thiện cảm cho khách hàng.
Theo dantri.com.vn