Hiệu quả từ chuyển đổi số trong giáo dục

Thứ 7, 23.12.2023 | 15:17:53
709 lượt xem

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành; qua đó góp phần tạo nên môi trường học tập đa dạng, phong phú, hấp dẫn, mang tính tương tác cao, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Giờ học môn Tin học tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH) 

Hiện, nhiều trường học ở thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho người học được học tập mọi lúc, mọi nơi.

Tạo môi trường học tập đa dạng, sinh động

Hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường trung học cơ sở Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh đã triển khai chuyển đổi số trong toàn trường và bước đầu thu được những kết quả nhất định. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, giải pháp, coi công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực và hữu hiệu cho các hoạt động giáo dục.

Trong đó, Ban Giám hiệu nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tham gia các diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến, đồng thời chỉ đạo giáo viên đẩy mạnh việc thực hiện đề án chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường từng bước hình thành kho học liệu, chia sẻ trực tuyến, phục vụ người học tự học, tự nghiên cứu trên nhiều phương tiện khác nhau.

Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, nhất là các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên. Nhà trường đã thành lập đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin cốt cán để tham gia các buổi hội thảo, tập huấn công nghệ thông tin, từ đó hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên toàn trường.

Hướng đến xây dựng “Môi trường giáo dục thông minh”, trong giai đoạn 2022-2025, Trường trung học cơ sở Lê Văn Tám xây dựng các mô hình: Lớp học thông minh, người dạy thông minh-người học chủ động, thư viện thông minh. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, mô hình thư viện thông minh đang trong quá trình hoàn thiện, khi được đưa vào hoạt động sẽ giúp học sinh có môi trường học tập hiện đại, thân thiện. Thư viện dự kiến đầu tư các học liệu số do giáo viên nhà trường xây dựng cùng với kho tài nguyên số được kết nối từ Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Với Trường trung học cơ sở Bình Khánh, huyện Cần Giờ, nhận thức việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều cơ hội mới nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành quy chế, kế hoạch chuyển đổi số; xây dựng quy chế kiểm tra, đánh giá dạy học trực tuyến, phân công các giáo viên tin học tổ chức tập huấn và xây dựng các video, file hướng dẫn thiết kế các giáo án điện tử một cách sinh động, phong phú, đa dạng, lôi cuốn người học.

Từ năm học 2021-2022 đến nay, công tác chuyển đổi số tại Trường trung học cơ sở Bình Khánh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm học 2022-2023, giáo viên nhà trường đã xây dựng học liệu số cho khối lớp 6 và 7; năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục chỉ đạo các tổ chuyên môn tạo học liệu số cho khối 8 và tiến tới sẽ số hóa toàn bộ bài giảng khi có sách giáo khoa khối 9 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhà trường cũng chỉ đạo các giáo viên thực hiện clip có tương tác trực tuyến với học sinh từ 5-10 phút/clip để hướng dẫn học sinh học bài mới hàng tuần… Việc ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học, nhất là dạy học trực tuyến đã giúp học sinh có ý thức làm chủ kiến thức, có thể tìm hiểu, tham khảo thêm các nguồn kiến thức thông qua việc sử dụng các thiết bị học tập.

Xem nhẹ chuyển đổi số sẽ tụt hậu

Các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số thành công, cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục, đồng thời cần chú trọng việc thay đổi nhận thức và khả năng sẵn sàng thay đổi của đội ngũ quản lý và giáo viên.

Theo kết quả khảo sát về các chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh của nhóm công nghệ giáo dục toàn cầu (Ngân hàng Thế giới) cho thấy, có đến 88% số trường học tại địa phương này đã có chiến lược kỹ thuật số, hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học; 82% số học sinh sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp; 64% số giáo viên tham gia sử dụng các tài nguyên dùng chung trên internet...

Đến nay, công tác xây dựng và chuẩn hóa dữ liệu của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh được chú trọng và đã hoàn thiện được trục cơ sở dữ liệu ngành, tạo tính liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu ngành. Hiện, tất cả cơ sở giáo dục từ mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố với hơn 2.420 đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cấp tài khoản quản lý trực tuyến.

Đơn vị này cũng xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hơn 1,7 triệu dữ liệu học sinh và gần 122 nghìn dữ liệu giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng Bản đồ Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng nền tảng số, dạy học trực tuyến; số hóa học liệu điện tử, xây dựng giáo trình điện tử, sách điện tử, bài giảng, bài học trực tuyến bám sát lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chia sẻ dùng chung cho các trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Việc xây dựng dữ liệu số là cơ sở quan trọng để ứng dụng, triển khai chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, giảm cường độ lao động cho đội ngũ giáo viên. Cùng với xây dựng, khai thác dữ liệu số, việc phát triển học liệu số dùng chung cũng giúp giáo viên trên địa bàn thành phố có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Để chuyển đổi số tạo động lực quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thời gian tới, ngành giáo dục thành phố tập trung xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng 2030; đồng thời, triển khai các công nghệ mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng công nghệ tiên tiến…

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới phương pháp dạy học, trong công tác quản lý, cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động trong giáo dục. Trong thời đại hiện nay, nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đổi số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Để chuyển đổi số thành công là một việc không dễ, bởi chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của công nghệ, mà quan trọng là ý thức của từng người.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hieu-qua-tu-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post788924.html

  • Từ khóa