Ngành giáo dục Hà Nội đi qua một năm có nhiều dấu ấn và cũng nhiều điểm "nóng" trong tuyển sinh.
Với quy mô hơn 2 triệu học sinh từ bậc mầm non tới trung học phổ thông (THPT), các kỳ tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội luôn "nóng". Ngoài lý do thiếu trường lớp trong nội đô, tuyển sinh tại Hà Nội còn "nóng" vì nhu cầu lớn ở nhóm các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường tư thục có uy tín.
Năm 2023, Hà Nội tái diễn cảnh phụ huynh thức đêm xếp hàng nộp hồ sơ vào lớp 1 "trường điểm" cho con. Đáng nói, tình trạng này phát sinh với lớp 10, tạo nên một hiệu ứng lan rộng ra nhiều trường THPT thuộc khối công lập tự chủ và tư thục.
Những câu chuyện quanh tuyển sinh đầu cấp là các điểm "nóng" thi cử năm 2023 tại thủ đô.
Xếp hàng xuyên đêm giành suất học cho con
Từ 19h ngày 24/2, hàng chục phụ huynh đã tập trung trước cổng Trường Marie Curie chờ nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con.
Nhà trường chỉ phát 360 hồ sơ. Giờ phát hành hồ sơ theo thông báo là 0h ngày 25/2. Do đó, phụ huynh phải đến trường từ chập tối nếu thực lòng muốn con theo học ở đây.
Với cách thức tuyển sinh này, cảnh cha mẹ xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ vào lớp 1 tại Trường Marie Curie đã trở nên quen thuộc từ nhiều năm qua.
Năm học 2023, không chỉ Trường Marie Curie, Trường Tiểu học Vạn Bảo - Hà Đông xảy ra tình trạng tương tự. Một ông bố bị chen lấn tới rách một mảng lưng áo cũng không từ bỏ vị trí để mong giành được suất hồ sơ sớm vào ngôi trường chất lượng cao này.
Phụ huynh chen lấn xếp hàng vào lớp 1 Trường Tiểu học Vạn Bảo, Hà Đông (Ảnh: NVCC).
Hàng trăm phụ huynh mang ghế ra trước cổng trường ngồi từ chiều tối 12/6 chờ đến 8h sáng hôm sau. Chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng an ninh ra túc trực để đảm bảo trật tự.
Tuy nhiên, công xếp hàng xuyên đêm mùa hè oi bức trở nên vô nghĩa khi tình trạng chen lấn vào buổi sáng trở nên gay gắt. Cuối cùng, nhà trường đưa ra quyết định xếp hàng lại từ đầu, gây ra phản ứng mạnh của các phụ huynh đã chờ hơn 12 giờ đồng hồ.
Việc tuyển sinh bằng xét hồ sơ theo thứ tự trước sau của Trường Vạn Bảo gây tranh cãi. Nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường nên thi tuyển để đảm bảo chất lượng học sinh và không ai phải xếp hàng.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết ngành giáo dục quận không chủ trương thi tuyển, tránh tạo áp lực học hành không đáng có với các con khi mới bước vào lớp 1.
Một tháng sau đó, tình trạng phụ huynh thức hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con xảy ra với bậc THPT tại một loạt trường: THPT Phan Huy Chú, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu… Khoảng 30 ngàn học sinh lớp 9 đối mặt với việc không được vào lớp 10 khiến phụ huynh áp lực tìm một suất học cho con.
Phụ huynh thức xuyên đêm trước cổng Trường THPT Hoàng Cầu để chờ nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Tại Trường THPT Hoàng Cầu, một cụ bà hơn 70 tuổi 12h đêm ra trước cổng trường xếp hàng thay con dâu để nộp hồ sơ cho hai cháu nội song sinh vào đây.
Trước tình trạng căng thẳng này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023 - 2024 của Hà Nội. Ngay sau đó, Hà Nội bổ sung thêm hơn 3000 chỉ tiêu về 34 cơ sở giáo dục để "hạ nhiệt".
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn chuẩn bị tốt các điều kiện để tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến từ năm 2024. Tuyệt đối không có bất kỳ trường học nào để xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ như mùa tuyển sinh năm vừa qua.
Nội dung này được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt lưu ý khối các trường ngoài công lập. Sở GD&ĐT sẽ không giao chỉ tiêu với đơn vị để xảy ra chuyện này.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của toàn thành phố là 2.875 trường với gần 2,3 triệu học sinh từ mầm non tới THPT. Số lượng trường học tăng 35 trường so với năm học 2022-2023, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đặc biệt ở quận nội thành.
Bình quân mỗi năm, Hà Nội tăng 50.000-60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới 30-40 trường học. Để giải quyết trước mắt, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét, cho phép nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.
Hà Nội đã phê duyệt xây và thành lập mới 16 trường THPT, cung cấp thêm khoảng 10.000 chỉ tiêu lớp 10 công lập. 7 trường trong số này sẽ đi vào hoạt động năm 2025. Tuy nhiên theo dự báo, số học sinh vào lớp 10 tại Hà Nội của 4 năm tới tăng thêm 59.000.
Bài toán giải quyết trường học phổ thông tại Hà Nội vẫn chưa có đáp án khi dân số cơ học của thủ đô vẫn có xu hướng tăng mạnh.
Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10 công lập
Tháng 2/2023, Hà Nội công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Số lượng môn thi giảm từ 4 xuống 3 gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Đây được xem là thay đổi quan trọng của ngành giáo dục thành phố, được học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ.
Trước đó, các phụ huynh có con sinh năm 2008 đồng loạt đăng lên mạng xã hội thông điệp đề nghị ngành giáo dục rút số môn thi xuống 3 để giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 (Ảnh: Mạnh Quân).
3 năm trở lại đây, số môn thi vào lớp 10 của Hà Nội không giữ ổn định. Năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Nội tổ chức thi 3 môn. Năm 2021-2022, Hà Nội quay trở về thi 4 môn như thông lệ. Năm học 2022-2023, dù học sinh đi học trực tiếp cả năm do đại dịch đã qua, Hà Nội vẫn chốt thi 3 môn.
Hiện Hà Nội chưa công bố phương án thi lớp 10 công lập năm 2024. Tuy nhiên, nguyện vọng của phần lớn học sinh, phụ huynh là thi 3 môn. Các giáo viên cũng cho rằng, với lứa học sinh lớp 9 cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2016, việc giữ ổn định 3 môn thi như kỳ thi năm 2023 là cần thiết và nhân văn.
Lỗi in ấn đề thi môn toán vào lớp 10
Cũng trong kỳ thi lớp 10 công lập tại Hà Nội, một sự cố hi hữu đã xảy ra với đề thi môn toán. Theo đó, ngay sau ngày thi 11/6, nhiều phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội về việc đề thi toán của con bị in mờ ở dấu gạch ngang phân số 2/x-3 thuộc ý 1 câu III. Dấu gạch này bị đứt 1 đoạn nhỏ khiến thí sinh hiểu nhầm có dấu trừ trước phân số và đã giải bài theo phương án phân số (-)2/x-3.
Phụ huynh tập trung nộp đơn kiến nghị tại Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).
Trước kiến nghị của gần 40 phụ huynh, lãnh đạo Sở đã quyết định chấp nhận kết quả giải bài theo phương án phân số âm. Quyết định này gây ra tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên phần đông giáo viên cho rằng đây là một quyết định nhân văn.
Sự cố in ấn của Hà Nội khiến Bộ GD&ĐT lưu ý đặc biệt khâu in ấn đề thi tại các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra sau đó 3 tuần. Thậm chí nhiều địa phương đề xuất bổ sung vào bộ phận in sao đề thi một nhân viên kỹ thuật phụ trách máy in.
Tuy nhiên đề xuất này không được lãnh đạo Bộ chấp nhận.
Tranh cãi điều kiện tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam
Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, 35 hồ sơ học bạ toàn 10 đã bị trả về khiến phụ huynh bức xúc. Câu chuyện xuất phát từ tiêu chí tuyển sinh không thực sự rõ ràng của nhà trường.
Cụ thể, ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, công văn đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2023-2024 ghi rõ:
"Học bạ tiểu học của học sinh được đánh giá thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và đào tạo, cụ thể: Học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện trở lên".
Phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: Hanoiedu).
35 hồ sơ bị trả về đều đạt tiêu chí "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện trở lên" ghi trong học bạ cuối năm. Tuy nhiên, bộ phận tuyển sinh không chỉ căn cứ vào đánh giá cuối năm mà rà từng môn học cụ thể trong suốt 5 năm, nếu có 1 nội dung học tập và rèn luyện chỉ đạt mức hoàn thành sẽ loại hồ sơ.
Nếu bám theo công văn hướng dẫn tuyển sinh mà nhà trường công bố tháng 4/2023, phụ huynh không cảm thấy thuyết phục.
Phụ huynh cho rằng, nhà trường phải bổ sung điều kiện tuyển sinh để phụ huynh hiểu rõ hơn và tự kiểm tra hồ sơ ngay từ đầu.
Hà Nội dẫn đầu cả nước về giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế
Năm 2023, ngành giáo dục của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia quốc tế.
Mới đây nhất, tại kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế, Hà Nội được chọn đại diện cho Việt Nam tham gia và cả 6 học sinh đi thi đều đạt huy chương.
Tại kỳ thi Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế (IOAA), 4/5 học sinh Việt Nam giành huy chương đều là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Học sinh đạt giải Olympic khoa học trẻ quốc tế 2023 trong lễ vinh danh tại Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).
Tại kỳ thi Olympic Hóa học ứng dụng quốc tế năm 2023 tổ chức tại Indonesia, học sinh Hà Nội đã giành 3 huy chương…
Tính riêng năm học 2022-2023, Hà Nội có 8 học sinh đạt giải quốc tế, 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt giải trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế.
Theo dantri.com.vn