10 năm trước, anh Trường đi từ Luang Prabang quay về Viêng Chăn dài hơn 300km phải đi bằng xe khách mất 15 giờ thì nay có tàu cao tốc chỉ chưa tới 2 giờ.
"Lào thay đổi nhiều quá so với thời điểm 10 năm trước tôi đặt chân tới lần đầu", anh Đoàn Phước Trường, một blogger du lịch đến từ TPHCM nhận xét.
Năm 2003, khi đi từ Luang Prabang quay về Viêng Chăn, với quãng đường dài hơn 300km, anh Trường phải ngồi trên xe khách di chuyển bằng đường bộ mất 10-15 tiếng do đi vòng tránh nhiều đồi núi và dừng ở các trạm nghỉ.
Nhưng chuyến đi lần này, cũng với khoảng cách tương tự, nhưng anh chỉ tốn chưa tới 2 tiếng là đến nơi.
Một trong những đóng góp lớn phải kể tới sự xuất hiện của tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung, dài hơn 1.000km, nối từ thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tới thủ đô Viêng Chăn của Lào. Sau 5 năm thi công, tàu đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2021.
Tại Lào, tàu cao tốc chạy trên quãng đường dài hơn 400km, đi qua 6 nhà ga gồm Viêng Chăn, Vang Viêng, Luang Prabang, Muang Xai, Luang Namtha và Boten. Với tốc độ lên tới 160km/h nhưng tàu chạy êm, cách âm tốt, dù đi qua nhiều đoạn hầm đào xuyên núi rừng trùng điệp.
Tới Lào lần này, anh Trường dành 6 ngày 5 đêm để trải nghiệm. Anh dành thời gian khám phá 3 thành phố Luang Prabang, Vang Viêng và Viêng Chăn. Đây đều là những thành phố có tuyến tàu cao tốc chạy qua.
Chuyến đi lần này, anh muốn dành thời gian tới các thành phố nơi tàu cao tốc đặt nhà ga.
Xuất phát từ TPHCM, anh mất hơn một tiếng bay tới thành phố Pakxe. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, anh đáp thêm chuyến bay tới Viêng Chăn. Từ thủ đô của nước bạn, vị khách Việt tiếp tục tham quan, dừng chân nghỉ đêm ở thị trấn Vang Viêng, cố đô Luang Prabang và quay trở lại Viêng Chăn.
"Nhờ tàu có tốc độ lên tới 160km/h nên tôi cũng như nhiều du khách khác được rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển từ Nam tới Bắc của Lào", anh Trường nói.
Các khoang bên trong tàu được thiết kế thoải mái, rộng rãi.
Theo vị khách này, tùy theo từng chặng sẽ có giá vé khác nhau. Ví dụ, chặng Vang Viêng đi Luang Prabang dài 190 km, di chuyển chưa tới một giờ, có giá 195.000 kíp (khoảng 230.000 đồng); chặng Luang Prabang quay về Viêng Chăn dài hơn 300km, có giá 393.000 kíp (464.000 đồng).
Theo lời kể của nhân viên tại trạm ga, do giá vé khá cao so với mức thu nhập của người dân, nên tàu chở đa phần là khách du lịch nước ngoài như Hàn Quốc, Nga, Nhật, Việt Nam, nhưng chiếm đa số vẫn là khách Trung Quốc.
Anh Trường quan sát, các nhà ga đều sạch và hiện đại với phòng chờ rộng rãi đủ chỗ ngồi cho khách. Ngoài ra còn có phòng chờ hạng thương gia, nhà hàng và quầy lưu niệm. Mỗi nhà ga được thiết kế mang bản sắc riêng của văn hóa Lào.
Đoàn tàu gồm 9 toa, một đầu máy, một toa nhà hàng, một toa hạng thương gia, một toa hạng nhất, 5 toa phổ thông với tổng cộng 720 chỗ ngồi. Toa thương gia và hạng nhất nằm ở khu vực phía đầu tàu. Cửa toa luôn đóng trong quá trình di chuyển, sử dụng khóa điện tử tách biệt các toa khác.
Trong khi đó, toa phổ thông có trang bị vòi nước uống nóng lạnh, bồn rửa tay bên ngoài và nhà vệ sinh sạch sẽ.
Mỗi nhà ga lại thiết kế theo bản sắc văn hóa của Lào.
Vị khách Việt đánh giá, nội thất các toa còn rất mới, có ghế ngồi bọc nệm vải, trang bị ổ cắm sạc dưới chân. Lưng ghế còn thiết kế bàn ăn như trên máy bay. Khoang hành lý đặt phía trên, không có nắp đậy. Với hành lý cỡ lớn, khách phải đặt ở khu vực đầu toa.
Ngoài ra, các đoàn tàu đến và đi rất chuẩn giờ, chính xác từng phút như bảng thông báo và trên vé.
Tuy nhiên, do khách chỉ có 5 phút lên xuống nên thường gây ra hiện tượng chen lấn. Khi kết thúc chuyến đi, lúc qua cửa kiểm soát, du khách phải đưa lại vé cho nhân viên đối chiếu và quét mã lần nữa.
Anh Trường ấn tượng nhất là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại từ thiết kế bên ngoài tới nội thất của 3 nhà ga chính.
Tại nhà ga Viêng Chăn, mặt tiền được sơn màu vàng đậm như mái các ngôi đền chùa. Nhà ga gồm 7 đường ray, 4 sân ga và sảnh nhà ga, có thể chứa tối đa 2.500 khách cùng lúc.
Trong khi đó, nhà ga Vang Viêng lại phù hợp với những khách mê trải nghiệm cùng thiên nhiên. Khi dừng chân tại đây, du khách tiếp tục ra ngoài để khám phá nhiều điểm đến như leo núi, chèo thuyền, tới hang động đá vôi, bơi lội trên dòng sông Mekong hay đắm mình trong làn nước xanh ngọc bích ở hồ Blue Lagoon.
Và cuối cùng nhà ga đẹp nhất là Luang Prabang có 2 sân ga, 4 đường ray, sảnh chứa 1.200 hành khách. Tại sân ga luôn có đội ngũ xe tuk tuk đưa đón khách vào trung tâm thành phố với giá 50.000 kíp/người (60.000 đồng).
Sau 10 năm quay lại "đất nước triệu voi", vị khách Việt thấy Lào "thay da đổi thịt" từng ngày, đặc biệt hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một phát triển.
Anh nhận thấy, ngành du lịch của Lào phát triển theo đường lối bài bản, không bị thương mại hóa các dịch vụ du lịch hay bê tông hóa danh lam thắng cảnh mà vẫn giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa truyền thống.
Giá vé vào tham quan các khu di tích, giá tàu cao tốc cho người Lào và khách quốc tế ngang nhau. Ở đây cũng không xuất hiện nạn nói thách, mặc cả hay chặt chém. Đường phố không bị kẹt xe, không tiếng còi ô tô với nhịp sống chậm rãi và bình yên.
"Đó là những lý do khiến tôi yêu mến đất và người nơi này", anh Trường chia sẻ.
Theo dantri.com.vn