Tuổi trung niên phải đối diện với giai đoạn mãn kinh và mãn kinh. Đây là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa ở tất cả phụ nữ. Giai đoạn này, một số phụ nữ phải chịu đựng các rối loạn không mong muốn. Trong đó, triệu chứng chóng mặt rất thường gặp và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Nguyên nhân chóng mặt trong mãn kinh
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng có sự liên quan giữa mãn kinh và chóng mặt. Cảm giác chóng mặt có thể được cảm nhận như mất thăng bằng, cảm giác quay cuồng trong đầu, hoặc cảm giác cơ thể đột ngột chao đảo.
Các trung tâm kiểm soát thăng bằng bao gồm tai, mắt và thần kinh giác quan. Cơ thể cần ít nhất hai trung tâm hoạt động để duy trì sự thăng bằng. Nếu các trung tâm kiểm soát không hoạt động bình thường, hoặc nếu não không thể xử lý được thông tin, kết quả sẽ gây ra chóng mặt cùng với sự mất thăng bằng. Các nguyên nhân khác bao gồm:
Nguyên nhân nội tiết: Sự thay đổi hormon trong thời kỳ mãn kinh có thể giúp giải thích mối liên quan giữa mãn kinh và chóng mặt. Trong thời kỳ mãn kinh, những thay đổi bất thường nồng độ estrogen có thể gây ra những thay đổi trong não, hệ thống thần kinh và mạch máu. Estrogen có ảnh hưởng rõ đến lớp áo bên trong của các động mạch, giúp giữ cho mạch máu linh hoạt, có nghĩa là mạch máu có thể giãn nở và co bóp để thích ứng với lưu lượng dòng máu. Do sản xuất estrogen giảm trong suốt thời kỳ mãn kinh nên bạn có thể gặp những đợt chóng mặt ngắn.
Nguyên nhân mãn kinh: Các triệu chứng chóng mặt có thể là do mãn kinh, bao gồm: Nóng bừng; Đau nửa đầu; Rối loạn tiền đình; Hội chứng Meniere; Lo lắng và hoảng loạn; Viêm dây chằng / viêm khớp sau mãn kinh.
Nguyên nhân khác: Hạ huyết áp; Hạ đường huyết; Viêm thoái hóa khớp cổ; Mất nước; Do dùng dược phẩm; Nhiễm virus; Cảm lạnh hoặc cúm; Đột quỵ.
Thường xuyên tập thể dục sẽ ngăn ngừa chóng mặt ở tuổi mãn kinh.
Khi nào cần đi khám?
Mặc dù mãn kinh và chóng mặt có liên quan với nhau, nhưng hầu hết các trường hợp không cần điều trị. Một số trường hợp chóng mặt trong mãn kinh có thể phản ánh một số bệnh lý tiềm ẩn cần can thiệp. Do đó, phụ nữ mãn kinh nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ rối loạn nào sau đây kèm theo chóng mặt: Rối loạn vận ngôn hoặc giảm thị giác; Ngất xỉu và / hoặc mất ý thức; Tức ngực; Khó thở / thở nhanh; Co giật; Sốt; Nôn liên tục; Tê tay chân; Cứng cổ; Chấn thương đầu; Các vấn đề về thính giác (hội chứng Meniere)
Cách để hạn chế chóng mặt trong thời kỳ mãn kinh
Nếu mất thăng bằng và chóng mặt khi đột ngột đứng lên, điều này có thể liên quan đến tuần hoàn máu không hoạt động tốt trong thời kỳ mãn kinh. Nếu không có các triệu chứng khác đi kèm, tình trạng này không nhất thiết là nguy hiểm, bạn có thể phòng ngừa và giảm nhẹ bằng những cách đơn giản sau:
Uống đủ nước: Do đổ mồ hôi quá nhiều vào ban đêm khi xuất hiện những cơn nóng bừng (bốc hỏa), cần uống thêm nước và chất lỏng. Cố gắng uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để giúp cơ thể đủ nước và không bị chóng mặt.
Hạn chế muối: Giảm lượng muối ăn vào sẽ giúp kiểm soát huyết áp, ngăn không cho dịch tích tụ trong tai và giảm nguy cơ chóng mặt.
Nghỉ ngơi đầy đủ: Cố gắng ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm để đủ năng lượng vào ngày hôm sau.
Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc nhất định để giúp giảm bớt một số triệu chứng của mãn kinh. Nên trao đổi về các loại thuốc khác bạn đang dùng với bác sĩ để tránh các tác dụng phụ và tương tác thuốc liên quan chóng mặt.
Tập thể dục đều đặn và hít thở không khí trong lành: Tập thể dục hàng ngày là tối quan trọng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, và giúp kiểm soát sự mất cân bằng hormon. Tập thể dục thường xuyên làm giảm căng thẳng; nên nhớ căng thẳng có thể là một yếu tố kích hoạt gây chóng mặt. Cố gắng nghỉ ngơi và làm việc trong một không khí trong lành nếu bạn cảm thấy chóng mặt, và nhớ thở sâu có thể giúp bạn bình tĩnh nếu bạn bắt đầu cảm thấy một cuộc tấn công của lo âu.
Bịt tai và nhắm mắt: Khi bị chóng mặt có thể làm giảm triệu chứng bằng cách bịt tai và nhắm mắt lại. Đó là một cách đơn giản để ngăn chặn chóng mặt trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn.
Giữ ổn định vị trí cơ thể và tập trung: Nếu bạn thấy chóng mặt trong khi đứng, hãy tìm một bức tường hoặc một chiếc ghế gần đó để ngồi xuống. Nếu ai đó ở xung quanh bạn, hãy yêu cầu họ giúp đỡ cho đến khi đỡ thấy chóng mặt. Tập trung là quan trọng, vì vậy hãy cố gắng tập trung suy nghĩ vào một đối tượng, điều này sẽ khôi phục sự thăng bằng và giúp bạn trở lại bình thường.
Tránh các hoạt động dán mắt quá lâu: Hạn chế tiếp xúc quá lâu với màn hình máy tính, truyền hình và đọc ipad trong một khoảng thời gian dài, vì chúng có thể gây ra chóng mặt trong thời kỳ mãn kinh.
BS. Lê Hải/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/kho-vi-chong-mat-tuoi-trung-nien-n169142.html