Đặc biệt nhưng không khác biệt

Chủ nhật, 03.11.2024 | 09:41:43
291 lượt xem

Trong căn nhà yên bình ở ngõ phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều bạn nhỏ "đặc biệt" đang cần mẫn, ngày qua ngày cùng các cô giáo ở Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, học vẽ, móc, thêu, làm sổ... Hành trình đằng đẵng biến những đặc biệt tưởng như vĩnh viễn trở nên "không còn khác biệt", đã giúp trẻ yếu thế từng bước hòa nhập cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân với loạt sản phẩm làm bằng tay bán ra thị trường và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Nhiều bạn trẻ ở Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ đã thành thục kỹ năng móc, thêu các sản phẩm thương mại.


Với Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, một chuyên gia tâm lý trẻ em, nhà sáng lập dự án, học trò của mình luôn là những đứa trẻ VIP (very important person) - người rất quan trọng. Bố mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý hoặc chậm phát triển trí tuệ, cũng thường gọi "yêu" lũ trẻ là những đứa con "víp" cần được "phục vụ" hết sức vất vả, tận tâm trên một chặng đường chưa biết điểm dừng...

Hành trình của mỗi trẻ là một "công trình"

Cậu bé Minh năm nay 14 tuổi, tròn một năm đến với "mẹ" Hương - tên gọi thân thương về người thầy đặc biệt của bọn trẻ ở dự án. Cao hơn, trắng trẻo hơn và nụ cười hiền lành, nhưng không ai biết, lúc được mẹ và bà ngoại lặn lội đưa từ Móng Cái (Quảng Ninh) lên Hà Nội học, Minh gầy gò, đen nhẻm, mở miệng ra là nói tục, cãi mẹ... Cậu bé chậm phát triển trí tuệ, không có trí nhớ dài hạn. Điều đáng nói, em còn là nạn nhân của bạo lực gia đình khi thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực diễn ra trong chính ngôi nhà của mình. Bởi vậy, Minh hay lêu lổng ngoài đường, tiếp xúc với tệ nạn xã hội và có cách cư xử hệt kiểu "đường phố".

"Thằng bé coi chuyện bạo lực hết sức nhẹ nhàng. Cô hỏi chảy máu con không đau à? Nhưng buồn nhất là Minh bảo: Bị đánh suốt, con không biết khóc là gì...", chị Hương kể. Không riêng Minh, nhiều trẻ tự kỷ, chậm phát triển ở đây chẳng ngại ngần khi ngồi kể nhau nghe việc bị đánh ở nhà như chuyện phiếm, chuyện thường ngày...

Trẻ tự kỷ, chậm phát triển bởi sự khác biệt của bản thân, luôn rất ngây ngô và trong veo về nhận thức. Và cũng chính vì thế, không ít trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình; ra ngoài thì bị nhiều kẻ xấu lợi dụng, nhất là khi các bạn đến tuổi dậy thì, không thể kiểm soát hành vi, nhu cầu sinh lý... tạo ra nhiều nguy cơ về an toàn bản thân.

"Dậy thì thì sinh lý và tâm lý phát triển nhưng bó buộc trong việc nhận thức chậm, tạo ra sự phức tạp trong mỗi trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Chúng tôi nghiên cứu từng bạn để chọn cách tiếp cận phù hợp, hiểu các con nghĩ gì mới có cách tháo gỡ", chị Hương cho biết.

Với những đặc điểm dạng tật thường gặp phải, đến với dự án, các bạn nhỏ sẽ trải qua kiểm tra để chắc chắn không có quá nhiều hành vi gây hại cho bản thân và bạn học. Nếu trẻ gặp vấn đề quá nặng thì việc giúp các bạn kiểm soát đã khó, chưa nói đến việc dạy nghề là câu chuyện rất xa vời. Dự án chọn con đường đi hẹp hơn nhưng hướng đến mục tiêu hiệu quả nhất: Giúp các bạn học được một công việc cho thu nhập bền vững.

"Mình cần phân rõ mức độ nhận thức để có phương pháp hỗ trợ đúng cách. Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển luôn rất khó và chưa biết bao giờ mới đến đích, chính vì thế càng không thể lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình bọn trẻ, cũng như công sức, nỗ lực của các cô", chị Hương nhấn mạnh.

Thật vậy, mỗi ngày học 8 tiếng thì cả 8 tiếng là những cuộc "đấu trí" của các cô với hàng chục học trò "không hề dễ bảo". Giai đoạn khó khăn nhất là ba tháng đầu tiên của trẻ. Tuần đầu, các cô sẽ để các bạn thoải mái "thể hiện mình" để quan sát chi tiết hành vi, cách ăn nói, thậm chí là nỗi sợ... Sau khi định hình bạn ấy là người như thế nào, các cô sẽ đưa ra chiến lược để thay đổi bạn theo hướng tốt hơn. Bởi thế, dạy một trẻ tự kỷ, chậm phát triển rất kỳ công, mỗi đứa trẻ có thể coi là một "công trình".

"Nhiều cha mẹ đến đây với suy nghĩ con của mình vô dụng, nhưng sau một thời gian, khi đứa trẻ tốt lên thì tự họ thay đổi suy nghĩ, chăm chút, quan tâm trẻ hơn. Từ đó thay vì xấu hổ, giấu con ở nhà thì giờ tự hào khoe rằng, con mình đã tự làm ra tiền...", Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương kể.

Xin bố mẹ cho trẻ thời gian

Nhiều năm trước ở Việt Nam, các dự án, trung tâm hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển ra đời tự phát, không có nghiên cứu chuyên nghiệp và hầu hết chỉ dừng lại ở mức độ "trông trẻ". Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương làm việc ở Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) suốt 14 năm với công việc chính là tư vấn, bảo vệ trẻ em.

Cùng gia đình, xã hội bảo vệ trẻ bình thường đã khó thì với những đứa trẻ khác biệt, càng vô cùng gian nan. Chưa kể, chị Hương rất nhiều lần phải nghe những câu hỏi như: Sau này khi bố mẹ qua đời thì không biết bọn trẻ của họ sẽ tồn tại như thế nào? Hay bọn trẻ đã đến tuổi trưởng thành, chẳng nhẽ cứ "nhốt" chúng mãi trong nhà? - nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng...

Không nản lòng, chị Hương quyết định rẽ hướng, sáng lập Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ vào năm 2018. Tình yêu trẻ và kiến thức, kinh nghiệm dày dạn trong công việc tư vấn, bảo vệ trẻ em đã tiếp sức để người thầy đặc biệt này đủ dũng cảm tiếp cận lĩnh vực giáo dục đặc biệt với mong mỏi đào tạo các bạn đủ nhận thức và học nghề "ra tấm ra miếng" chứ không chỉ để "trông trẻ" rồi thôi.

Từ quan điểm đó, chị Hương dựa vào các đặc điểm, dạng tật của trẻ tự kỷ, chậm phát triển để phát triển nghề như các bạn gặp chứng rối loạn phổ tự kỷ luôn có tính rập khuôn thì rất hiệu quả với công việc kiểu lặp đi lặp lại. Mới đầu, chị phải tìm học người làm nghề chuyên nghiệp, rồi sau đó nghiên cứu phương pháp truyền thụ hiệu quả cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển.

Kiên trì, sau vài năm, một số bạn mới học được nghề. Nhưng rồi vẫn chưa hiệu quả vì sản phẩm không bán được do mẫu mã chưa hợp thị hiếu. Chị lại loay hoay tìm hiểu, đi học mỹ thuật, hội họa sau đó nghĩ cách áp dụng cùng bọn trẻ đưa vào khâu sản xuất.

"Hội họa là phương pháp trị liệu tâm lý rất tốt, giúp các bạn vừa được thả mình với mầu sắc, hình họa, lại rèn tính kiên nhẫn, tĩnh tại khi học vẽ. Tất nhiên, không phải bạn nào cũng có năng khiếu để học nghề vẽ tranh túi vải, thêu xù; các bạn khác cần mẫn, chăm chỉ lại học móc, làm sổ tay. Tùy nhận thức đến đâu sẽ tăng độ phức tạp trong công việc đến đó", chị Hương chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt 6 năm, cô và trò đằng đẵng dạy và học nghề qua rất nhiều lần thay đổi giáo trình, để rồi cho ra đời hàng loạt sản phẩm thành công như túi vải, sổ tay... có họa tiết vẽ tay rất đẹp, trẻ trung, liên tục nhận được đơn đặt hàng qua fanpage. Tuy nhiên, đặc thù của trẻ tự kỷ, chậm phát triển là các con vừa làm, vừa chơi, ép cũng không được...

Thế nên, không ít khách hàng phải chờ cả tháng mới nhận được lô túi vải, nhưng bù lại, các sản phẩm mang đậm dấu ấn hội họa riêng biệt của bọn trẻ. Khách hàng thì rất đa dạng, từ các cụ bà, các chị đặt túi hoa sen để đi lễ chùa, làm túi đựng máy tính xách tay... Hay như khách nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài xem qua fanpage dự án cũng đặt mua rất nhiều và sẵn sàng... chờ nhận hàng.

Chị Hương là người đầu tư mua nguyên vật liệu trước, sau khi bán sản phẩm, có lãi thì các bạn sẽ được trả lương. Khóa đầu tiên của dự án sau nhiều năm đã đào tạo ra tám bạn làm nghề thành thục, thu nhập ít nhất từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/tháng, nhiều nhất là 2 triệu 700 nghìn đồng/tháng.

Ngoài dạy trẻ cách làm nghề, có thu nhập, các cô cũng thường xuyên chia sẻ về đạo đức, hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử và kỹ năng sử dụng đồng tiền. "Kiếm tiền đã khó, các bạn phải học tiêu tiền đúng cách. Các cô sẽ hướng dẫn trẻ tự đi mua bàn chải đánh răng, dao cạo râu, rồi nhận tiền trả lại, tự kiểm đếm số tiền mình đang có... Đấy là phương pháp để sau này ra đời, các bạn sẽ có thể tự bảo vệ tiền của mình", chị Hương chia sẻ.

Không chỉ vậy, bọn trẻ được chị Hương đưa ra ngân hàng, lập tài khoản cá nhân để học cả cách thanh toán qua mạng. Nhiều em giờ đã thành thạo việc chuyển tiền, nhận tiền, sử dụng mật khẩu... qua ứng dụng ngân hàng trong sự ngỡ ngàng của người thân.

"Nhiều cha mẹ đặt câu hỏi khi đưa các bạn ấy đến là liệu bao giờ các con sẽ học xong? Thật ra luôn là câu hỏi rất khó trả lời. Có những bạn đã 30 tuổi nhưng phải bắt đầu việc học với nhận thức của các em lớp 1, 2; nhưng cũng có bạn dù nói khó khăn nhưng ngôn ngữ hiểu tốt, cô nói gì các bạn ấy đều tiếp thu được, thì khả năng học tập lại nhanh. Quan trọng hơn cả, dù nhanh hay chậm, các cô chỉ mong là bố mẹ hãy nhẫn nại, cho các bạn thêm thời gian", Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương cho biết.

Người thầy tận tụy

"Khác biệt nhưng đặc biệt" là tên triển lãm đầu tiên mà chị Hương tổ chức cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển cuối năm 2019, cũng là câu slogan chính của dự án. Với những chuyên gia tâm lý trẻ em như Thạc sĩ Lan Hương, các bạn tự kỷ, chậm phát triển luôn khác biệt một cách đặc biệt chứ không phải vì các bạn khác biệt mà trở nên vô dụng. Thực tế, nếu có phương pháp giáo dục phù hợp, sự tận tâm của cha mẹ, của những người thầy tận tụy, các bạn vẫn có thể làm được những điều mà cha mẹ "không tin nổi".

Triển lãm tranh từng khiến rất nhiều khách tham quan, và nhất là cha mẹ, ông bà phải vô cùng ngạc nhiên. Nhiều người đến xem và rất xúc động. Có những bậc phụ huynh đưa con đi học cả năm trời nhưng thậm chí chưa bước chân vào trung tâm lần nào nhưng khi miễn cưỡng vào xem tranh theo lời mời nhiệt thành của chị Hương, đã phải rơi nước mắt vì không thể tin đứa trẻ thiệt thòi của mình có thể làm được đến vậy. Bọn trẻ cũng rạng rỡ hơn hẳn khi được giới thiệu cho ông bà, bố mẹ về ý tưởng và bức tranh do mình tự tay vẽ.

"Các bạn rất hạnh phúc khi thấy được giá trị của bản thân. Bố mẹ, ông bà cũng từ đó thay đổi nhận thức, quan điểm về giáo dục và tương lai của bạn. Đó mới là sự thành công lớn nhất sau rất nhiều nỗ lực của cả cô và trò", Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương chia sẻ.

Trong hành trình gian nan dạy nghề cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển, niềm hạnh phúc của những người thầy như chị Hương đơn giản đến vậy. Thời gian dành cho công tác xã hội, cho bọn trẻ đồng nghĩa với thời gian dành cho gia đình phải bị chia sẻ. Thậm chí, theo nguyện vọng của cha mẹ, chị còn cho Minh và một số em nhỏ khác có hoàn cảnh khó khăn ở lại, sống và sinh hoạt cùng gia đình cô vào buổi tối, ban ngày lại học tập chăm chỉ.

Ngồi trên chiếc ghế sofa vốn có sáu chân nay đã bị bọn trẻ biến thành... ghế bệt, Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương cho biết: "Phải có tình yêu đủ lớn thì mới sẵn sàng sống chung với vô vàn các hành vi không thể lường trước được của trẻ. Nhưng cũng phải có đủ sự mạnh mẽ để ai nói gì thì nói, nói ngả nói nghiêng cũng không tác động tiêu cực đến quyết tâm hỗ trợ hết mình cho lũ trẻ mà đôi khi, bị coi là gàn dở".


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dac-biet-nhung-khong-khac-biet-post842806.html


  • Từ khóa