Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh tại các điểm diễn ra lễ hội

Thứ 4, 16.02.2022 | 15:03:20
771 lượt xem

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 lễ hội diễn ra trong tháng Giêng. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng lượng khách đến tham quan tại các điểm diễn ra lễ hội dịp này vẫn tương đối lớn, kèm theo đó là hoạt động kinh doanh tại các điểm này diễn ra khá sôi động. Để tránh những tiêu cực có thể xảy ra, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp đảm bảo văn minh thương mại tại đây.

Từ đầu tháng 1/2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ các kế hoạch như: cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân năm 2022. Đối với các điểm diễn ra lễ hội, lực lượng QLTT đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Đội QLTT số 2 phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc

Tại lễ hội Đền Mẫu, thị trấn Đồng Đăng vào ngày 10/2/2022, có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, hành lễ trong ngày này. Tại khu vực diễn ra lễ hội, có gần 100 hộ kinh doanh hoạt động. Tại đây, Đội QLTT Số 2 (phụ trách địa bàn huyện Cao Lộc) đã kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đồ uống. Cùng đó, tiến hành tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết thực hiện các quy định về văn minh thương mại.

Ông Nguyễn Quý Đình, Phó đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết: Qua kiểm tra, các hộ kinh doanh cơ bản đều chấp hành tốt quy định. Do địa bàn huyện sẽ còn diễn ra nhiều lễ hội trong thời gian tới (tổng số 32 lễ hội), đơn vị sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh và UBND huyện, liên tục bám nắm tình hình tại các địa phương, chủ động các phương án ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Ngân, chủ kinh doanh tại lễ hội Đền Mẫu cho biết: Được sự tuyên truyền của lực lượng chức năng, tôi luôn chấp hành nghiêm túc các quy định trong kinh doanh. Trong đó, tôi chỉ buôn bán các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện niêm yết giá đầy đủ. Với các khách mua hàng, tôi đều yêu cầu đeo khẩu trang đầy đủ để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Tại các huyện, thành phố còn lại, các đội QLTT cũng đã và đang tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nhu cầu lớn trong dịp diễn ra các lễ hội xuân như: thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; bia, rượu, nước giải khát; thực phẩm đóng gói sẵn như bánh, mứt, kẹo… Từ đó, chủ động ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa.

Tính từ ngày 14/1 đến trung tuần tháng 2/2022, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 93 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, trong đó có một số điểm diễn ra lễ hội. Qua kiểm tra, lực lượng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 19 vụ việc. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm về niêm yết giá; vi phạm về nhãn hàng hoá. Dù vậy, tại các điểm diễn ra lễ hội, chưa phát sinh các trường hợp vi phạm.

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thời gian qua, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát hàng hoá trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tại các điểm lễ hội. Ngoài các mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, đơn vị còn kiểm soát chặt đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em do đây là nhóm hàng có nhu cầu lớn tại các điểm lễ hội. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đối với các hộ kinh doanh tại các điểm lễ hội. Đối với các trường hợp vi phạm, đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài các giải pháp của lực lượng QLTT, chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh tại các điểm lễ hội. Trong đó, tập trung nhắc nhở các hộ kinh doanh không buôn bán các loại pháo nổ, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đồng thời, yêu cầu tất cả người dân thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.

Như tại xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội lồng tồng diễn ra từ ngày 12 – 13 âm lịch tạm dừng tổ chức. Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND xã Bắc Quỳnh, trong 2 ngày này, mỗi ngày có khoảng 200 – 300 khách tham quan đến hành lễ. Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Trước thời điểm diễn ra lễ hội, xã đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền đến các hộ kinh doanh thuộc khu vực diễn ra lễ hội các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng đó, yêu cầu các hộ kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, niêm yết giá hàng hoá đầy đủ. Bên cạnh đó, trong 2 ngày diễn ra lễ hội, UBND xã đã cắt cử cán bộ kiểm tra, giám sát tại khu vực trên, đảm bảo không xảy ra vi phạm.

Trong thời điểm các lễ hội đã và đang diễn ra như hiện nay, các giải pháp của lực lượng QLTT cũng như chính quyền các địa phương triển khai đã góp phần đảm bảo quyền lợi của du khách đến tham quan, hành lễ. Đồng thời, góp sức đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn.


GIA KHÁNH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/cong-nghiep-thuong-mai/thi-truong/481511-tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-tai-cac-diem-dien-ra-le-hoi.html

  • Từ khóa