Quyết liệt ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thứ 4, 03.07.2024 | 09:04:47
419 lượt xem

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng. Bên cạnh mặt tích cực, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh TMĐT, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng khác triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm.

Vi phạm gia tăng

Từ ngày 15 - 30/6/2024, qua giám sát trên các nền tảng mạng xã hội cũng như qua phản ánh từ người tiêu dùng, Đội QLTT số 1 đã ra quân kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh có áp dụng phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cả 6 cơ sở đều vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đóng gói nhập khẩu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đóng gói nhập khẩu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thuộc lĩnh vực TMĐT, Đội QLTT số 1 đã chủ động nghiên cứu các quy định có liên quan, nắm bắt tình hình địa bàn và chỉ đạo Tổ địa bàn kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, đội đã phát hiện và xử lý 26 cơ sở có hoạt động kinh doanh TMĐT vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái… tăng 12 cơ sở so với cùng kỳ năm 2024.

Không chỉ Đội QLTT số 1, thời gian qua, các đội QLTT trực thuộc Cục QLTT tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT. Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra đột xuất 62 cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT. Qua kiểm tra, cả 62 cơ sở kinh doanh đều vi phạm (liên quan đến kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…). Trong đó, chỉ tính trong tháng 5 và tháng 6/2024, số cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT vi phạm bị phát hiện, xử lý là 40 cơ sở, tăng 22 cơ sở với 4 tháng đầu năm 2024 và tăng 21 cơ sở kinh doanh vi phạm so với thời điểm cùng kỳ năm 2023.

Theo lãnh đạo một số đội QLTT, số cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT vi phạm tăng một phần là do các cơ sở kinh doanh hám lợi. Phần khác cũng là do sự dễ dãi của người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm mà thường không kiểm tra. Vì thế, các cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT thường trà trộn hàng hóa nhập lậu, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… để chào mời và bán hàng cho người tiêu dùng.

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm đều sử dụng tài khoản mạng xã hội, thực hiện livestream (phát trực tiếp) giới thiệu, bán hàng trực tuyến với các sản phẩm chủ yếu như: giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… nhập lậu, hoặc là các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam (nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, D&G, Adidas, Boss, Chanel…).

Tăng cường kiểm tra

Theo nhận định của Cục QLTT tỉnh, thời gian tới, nhất là từ cuối quý III/2024 đến cuối năm 2024 khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh thì hoạt động kinh doanh TMĐT sẽ tiếp tục phát triển cả về số cơ sở cũng như số lượng hàng hóa giao dịch. Để  ngăn chặn hành vi gian lận của các cơ sở kinh doanh thông qua hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc triển khai quyết liệt các biện pháp.

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Biện pháp đầu tiên mà cơ quan QLTT tỉnh đang tiến hành là chủ động phối hợp với phòng chuyên môn của Công an tỉnh tiến hành rà soát, phân loại các trang website ứng dụng TMĐT đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, những địa chỉ mạng xã hội của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trực tuyến trên địa bàn tỉnh, từ đó sử dụng biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án điều tra, ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… thông qua hoạt động TMĐT.

Đặc biệt, Cục QLTT tỉnh đã thành lập các tổ công tác về TMĐT nhằm theo dõi tình hình, thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Các tổ công tác này chuyên trách rà soát, theo dõi các cơ sở hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT, theo sát những kênh bán hàng livestream trên mạng xã hội, phân tích kỹ những mặt hàng được chào bán qua hoạt động TMĐT, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả trước khi đến tay người tiêu dùng.

Cùng đó, các Đội QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định về pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát những cơ sở kinh doanh những mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, giày dép... trên môi trường TMĐT. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát thông tin về hàng hóa chuyển phát tại những đơn vị chuyển phát, giao hàng trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, hàng nhập lậu... thì lực lượng chức năng sẽ xây dựng phương án kiểm tra, triệt phá.

Song song với đó, các đội QLTT đã và đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh TMĐT để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, lãnh đạo các đội QLTT để người tiêu dùng biết, phản ánh về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT.

Chị Hoàng Thị Hoài, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Cơ sở kinh doanh của gia đình đang thực hiện kinh doanh song song hai hình thức: kênh bán hàng truyền thống và thực hiện livestream bán hàng qua mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok). Qua hướng dẫn của cơ quan QLTT, gia đình đã đăng ký với cơ quan chức năng những tài khoản mạng xã hội thực hiện bán hàng theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong bán hàng qua hoạt động TMĐT...”.

Với những biện pháp đã và đang triển khai, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục quyết liệt đấu tranh hiệu quả với tình trạng gian lận của các cơ sở kinh doanh qua hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đó góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra đột xuất 62 cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT. Qua kiểm tra, cả 62 cơ sở kinh doanh đều vi phạm (liên quan đến kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…). Trong đó, chỉ tính trong tháng 5 và tháng 6/2024, số cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT vi phạm bị phát hiện, xử lý là 40 cơ sở, tăng 22 cơ sở so với 4 tháng đầu năm 2024 và tăng 21 cơ sở kinh doanh vi phạm so với thời điểm cùng kỳ năm 2023.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/quyet-liet-ngan-chan-xu-ly-vi-pham-trong-hoat-dong-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-5013597.html

  • Từ khóa