Xác định mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, những năm qua, UBND xã Xuân Dương đã tập trung định hướng, hỗ trợ người dân phát triển mô hình sản xuất có hiệu quả.
Xuân Dương là xã vùng III của huyện Lộc Bình nên đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Năm 2024, xã được tỉnh lựa chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Xác định xây dựng NTM là cả một quá trình, do vậy, không đợi đến khi được tỉnh lựa chọn là xã điểm, những năm trước đây, xã đã đề ra các giải pháp, trọng tâm là chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tiền đề để thực hiện các tiêu chí NTM khác.
Người dân thôn Tài Nhì, xã Xuân Dương chăm sóc rừng keo
Ông Lại Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Xuân Dương cho biết: Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã đã tuyên truyền, định hướng bà con chuyển đổi cơ cấu, phát triển các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy lợi thế của địa phương.
Theo đó, xã đã đẩy mạnh công tác tập huấn lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho người dân. Cụ thể, trung bình mỗi năm, xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức 2 – 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân toàn xã.
Cùng đó, UBND xã đã lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất. Đơn cử, từ năm 2023 đến nay, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã đã hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi cho người dân tại các thôn đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng phục vụ người dân phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, để người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế, UBND xã còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất. Đến nay, toàn xã có 284 hộ được vay vốn với dư nợ trên 21,6 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Song song với đó, UBND xã cũng tích cực tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (Nghị quyết 08) và Nghị quyết 15 ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08 đến người dân (Nghị quyết 15). Theo đó, đến nay, toàn xã có 2 hộ được hỗ trợ vay với tổng kinh phí 450 triệu đồng để phát triển mô hình trồng rừng.
Ông Dương Văn Tân, thôn Pác Sàn cho biết: Tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình, năm 2000, tôi trồng 11 ha thông, năm 2015, cây bắt đầu cho thu hoạch nhựa và đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả từ trồng rừng, từ năm 2017 đến năm 2021, tôi đã mở rộng trồng gần 10 ha cây keo và bạch đàn. Để có nguồn vốn chăm sóc và phát triển rừng, năm 2022, tôi được UBND xã hướng dẫn làm hồ sơ hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh và được vay 250 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đến năm 2023, tôi đã khai thác 4 ha keo, bạch đàn thu được trên 300 triệu đồng. Khai thác đến đâu, tôi tiếp tục trồng mới và chăm sóc đến đó.
Từ sự định hướng, hỗ trợ của xã, đến nay, người dân trên địa bàn xã đã phát triển một số mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng các loại cây keo, bạch đàn cao sản với diện tích hơn 1.100 ha; mô hình trồng táo Đài Loan với tổng số trên 1.400 cây; mô hình chăn nuôi dê (gần 400 con); mô hình chăn nuôi gia cầm (gần 5.000 con)...
Việc phát triển sản xuất trên địa bàn đã nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 43 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 10 triệu đồng so với năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 10,4% (giảm 13,26% so với năm 2022). Sản xuất phát triển, thu nhập tăng lên, người dân đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp 195 triệu đồng, hiến 6.117 m2 đất để xây dựng, mở rộng nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã, đường giao thông nông thôn...
Ông Vi Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian qua, xã Xuân Dương đã chủ động, phấn đấu thực hiện các tiêu chí NTM, đặc biệt là việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, từ đó từng bước hoàn thiện tiêu chí. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện quan tâm, hỗ trợ xã thực hiện phát triển sản xuất cũng như hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu đưa xã đạt chuẩn NTM năm 2024.
Hiện nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí NTM, 2 tiêu chí đã hoàn thành đang chờ thẩm định; các chỉ tiêu thành phần thuộc các tiêu chí NTM chưa đạt, hiện khối lượng thực hiện đạt từ 30 - 80% (tăng khoảng 40% so với đầu năm 2024)
Theo baolangson.vn