Di tích Chùa Tiên – Giếng Tiên: Điểm nhấn độc đáo của di sản văn hóa Lạng Sơn

Thứ 6, 02.08.2024 | 08:49:45
607 lượt xem

Tọa lạc tại khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên đã từ lâu nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc với hệ thống các tích truyện dân gian, văn bia cổ, tượng thờ cổ… Đây là điểm tham quan nổi bật của mỗi một du khách trong chuyến du lịch đến với thành phố Lạng Sơn.

Đến với chùa Tiên, vượt qua gần 70 bậc đá quanh co, du khách không khỏi choáng ngợp trước một tòa thạch động kỳ vỹ với những nhũ đá muôn hình vạn trạng như hình tiên ông, hình đầu sư tử, dơi bay…  tạo nên không gian vừa linh thiêng vừa huyền bí. Bà Hoàng Thị Kim Anh, Trưởng Bộ phận thường trực quản lý di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Chùa Tiên - Giếng Tiên cho biết: Năm 1992, di tích này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hằng năm chúng tôi vẫn thường xuyên chỉnh trang, tôn tạo những hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng trong chùa. Năm 2017, để đảm bảo công tác an ninh, chúng tôi lắp đặt hệ thống camera tại di tích chùa Tiên.

Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, chùa Tiên (Song Tiên Tự) được lập từ thời Lê Hồng Đức (khoảng từ năm 1460 - 1497). Khởi nguyên là một ngôi chùa nhỏ cạnh Giếng Tiên ở ngay sườn núi Đèo Giang – Văn Vỉ (cách cửa động chùa Tiên chừng 200 m). Tuy nhiên, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, do bị hư hại, xuống cấp, chùa được chuyển vào trong động Song Tiên.

z5464813579765,b0b798d4e38c0207bd00666cafdbb89b,08300729.jpg

Tiết mục hát then tại lễ hội Chùa Tiên

Giếng Tiên là một mạch nguồn nước mát tuôn ra từ lòng núi, dù miệng nguồn nước chỉ to bằng một chiếc bát lớn nhưng nước trong vắt không bao giờ cạn. Chiếc giếng này gắn với câu chuyện huyền thoại về Tiên ông đã ban cho dân làng Phja Luông dòng nước quý để trả ơn lũ trẻ chăn trâu đã nhường phần cơm ít ỏi của mình cho ông (dưới dạng một ông lão nghèo khổ). Miệng giếng chính là vết chân của Tiên ông giẫm xuống phiến đá mà thành.

Trải qua thăng trầm thời gian, đến nay, di tích Chùa Tiên – Giếng tiên vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị niên đại nghệ thuật như hệ thống tượng pháp, hoành phi, câu đối, 13 bia khắc trên vách đá của các văn nhân thi sĩ, quan lại dưới các triều đại phong kiến Việt Nam xưa lưu lại. Đặc biệt, trong chùa hiện đang lưu giữ tấm bia đá khắc bài thơ “Trấn doanh bát cảnh” của danh nhân Ngô Thì Sĩ ca ngợi 8 tám cảnh đẹp của xứ Lạng.

Bên cạnh giá trị về mặt văn hóa, cụm di tích này còn là nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân trong vùng và thu hút đông đảo du khách đến với Lạng Sơn. Theo thống kê của Bộ phận trực quản lý cụm di tích Chùa Tiên – Giếng Tiên, mỗi năm, di tích này đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, lễ bái.

z5464813579889,f397ee5e7100a7a5546f51f982c384e8,09590829.jpg

Nghi lễ rước nước đặc sắc tại Lễ hội Chùa Tiên - Giếng Tiên năm 2024

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, quận Long Biên, Hà Nội, du khách tham quan tại Chùa Tiên chia sẻ: Tôi đã nhiều lần đến với Lạng Sơn, mỗi lần như vậy tôi đều đến các điểm du lịch tín ngưỡng để tham quan, trong đó có Chùa Tiên và Giếng Tiên. Đây là nơi rất đẹp và linh thiêng, nhất định tôi sẽ còn quay trở lại nơi đây nhiều lần nữa.

Những năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Chùa Tiên – Giếng Tiên, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng VH-TT thành phố Lạng Sơn cho biết: Cụm di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên là một trong những điểm nhấn quan trọng của di sản văn hóa thành phố, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã  tăng cường tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND phường Chi Lăng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của cụm di tích. Đồng thời, chúng tôi cũng hướng dẫn UBND phường Chi Lăng thành lập ban quản lý di tích và bộ phận thường trực di tích của cụm di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên.

Bên cạnh đó, Phòng VH-TT thành phố cũng tham mưu UBND thành phố tiến hành tu bổ một số hạng mục nhỏ tại Chùa Tiên như thay thế hai tượng Hộ Pháp tại cửa chùa, tu sửa cung Sơn Trang, lắp đặt hệ thống biển báo, dòng chữ nổi tên di tích trên núi Đại Tượng, hệ thống đèn chiếu sáng trong động… bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Ngoài ra, đầu năm 2020, Phòng VH-TT thành phố đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định công nhận Chùa Tiên - Giếng Tiên là điểm du lịch. Đặc biệt, năm 2023, UBND thành phố đã bố trí kinh phí chỉnh trang khu vực phía dưới sân chùa, khuôn viên chùa... với tổng giá trị công trình trên 2 tỷ đồng, nhờ đó, diện mạo di tích có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các du khách trong và ngoài nước.

Cùng với hệ thống các di tích danh thắng trên địa bàn thành phố, hang Thủy Cung, di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên là một điểm nhấn trong hệ thống các địa điểm tham quan du lịch của thành phố Lạng Sơn. Với sự nỗ lực, chủ động của các cấp, ngành của thành phố, di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương, góp phần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là du lịch đêm trên địa bàn. 


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/di-tich-chua-tien-gieng-tien-noi-hoi-tu-nhung-gia-tri-van-hoa-dac-sac-xu-lang-5016526.html

  • Từ khóa