Nhận thấy hiệu quả bước đầu từ việc tiêm vắc - xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), hiện nay các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân trên địa bàn chủ động tiêm vắc - xin để phòng bệnh cho đàn lợn.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn tiêm vắc xin DTLCP tại xã Vũ Lăng
Bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh đã có khoảng 12.000 con lợn bị chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 525,5 tấn. Để phòng, chống bệnh DTLCP, hiện nay, tiêm vắc - xin DTLCP vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất.
Chính quyền chủ động, người dân tích cực
Nhất Hòa là một trong ba xã đầu tiên của huyện Bắc Sơn thực hiện tiêm vắc xin DTLCP đồng loạt vào cuối tháng 6/2024. Toàn xã có gần 500 con lợn thịt đủ điều kiện tiêm phòng. Theo ông Dương Hữu Sầm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhất Hòa cho biết: Khi huyện chọn xã để triển khai thí điểm tiêm vắc xin DTLCP trên diện rộng, cấp ủy chính quyền xã và bà con rất ủng hộ vì đây là biện pháp thiết thực nhất để bảo vệ đàn vật nuôi. Ngày 25 và 26/6, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã thực hiện tiêm vắc xin DTLCP cho đàn lợn tại các thôn. Từ khi tiêm vắc - xin đến nay, đàn lợn phát triển bình thường, khỏe mạnh, không có con lợn nào bị chết do nhiễm bệnh DTLCP.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn khi sử dụng vắc - xin DTLCP AVC ASF LIVE, chỉ tiêm 1 liều duy nhất cho lợn thịt khỏe mạnh đủ từ 4 tuần tuổi trở lên (Không tiêm vắc xin cho lợn hậu bị, lợn nái và lợn đực giống). Sau khi tiêm vắc - xin từ 2 đến 4 tuần, lợn có khả năng miễn dịch với virut DTLCP, thời gian miễn dịch kéo dài ít nhất 5 tháng. |
Theo ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn, nhận thấy hiệu quả từ việc tiêm vắc - xin trong phòng, chống bệnh DTLCP, thời gian qua người dân đã tích cực đăng ký tiêm vắc - xin, đặc biệt nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền mua vắc - xin để tiêm cho đàn lợn của gia đình. Từ cuối tháng 6/2024 đến nay, huyện đã có 12.000/15.000 con lợn ở 18 xã, thị trấn được tiêm vắc - xin phòng bệnh DTLCP, trong đó có 3.700 con là do người dân tự bỏ kinh phí.
Còn tại huyện Bình Gia, từ đầu năm 2024 đến hết tháng 7/2024, huyện có gần 1.100 con lợn bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 42 tấn. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc tiêm vắc xin ngăn ngừa bệnh DLCP, nhận thức của người chăn nuôi đã nâng cao, chủ động đăng ký tiêm vắc - xin DTLCP cho đàn lợn. Cùng với khoảng 4.900 liều vắc xin do UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ, người chăn nuôi cũng đã tự bỏ kinh phí mua thêm hơn 1.000 liều để tiêm cho đàn lợn của gia đình.
Bà Vũ Thị Hoa, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia chia sẻ: Tháng 9 năm ngoái gia đình tôi có 4 con lợn bị chết do bệnh DTLCP. Năm nay tôi tiếp tục nuôi 4 con lợn nữa nhưng vẫn rất lo lắng đàn lợn bị nhiễm bệnh DTLCP. Khi thấy UBND thị trấn tuyên truyền việc tiêm phòng vắc - xin DTLCP cho đàn lợn, tôi đăng ký ngay. Tháng 7 vừa qua, đàn lợn của gia đình tôi đã được tiêm vắc - xin DTLCP, đến nay đàn lợn khỏe mạnh, tôi rất yên tâm.
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 9.000 con lợn giống chưa được tiêm vắc xin DTLCP
Tiêm vắc xin, tấm "lá chắn" ngăn ngừa bệnh DTLCP
Trước tình hình dịch bệnh DTLCP có diễn biến phức tạp, thực hiện thông báo số 383/TB-UBND ngày 8/7/2024 thông báo kết luận của đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị trực tuyến 3 cấp triển khai cấp bách nhiệm vụ công tác phòng chống bệnh DTLCP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc - xin DTLCP cho đàn lợn, UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ để các địa phương triển khai thực hiện đồng loạt từ 22 – 28/7/2024.
Qua rà soát, trong tháng 7/2024 toàn tỉnh có khoảng 50.000 con lợn đủ điều kiện để tiêm phòng vắc - xin, ngay sau khi được cấp 55.360 liều vắc xin DTLCP Avac ASF Live, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân bổ vắc - xin cho 10/11 huyện, thành phố (riêng huyện Lộc Bình đã sử dụng ngân sách dự phòng mua vắc - xin) để triển khai tiêm trên diện rộng.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Đối với tình hình bệnh DTLCP hiện nay, việc tiêm vắc - xin DTLCP chính là tấm "lá chắn" hữu hiệu nhất để ngăn chặn bệnh DTLCP. Ngay sau khi có vắc - xin, hết tháng 7 chúng tôi đã triển khai tiêm được gần 44.000 con, đạt trên 88% tổng số lợn trong diện tiêm. Cùng với khoảng 9.000 liều vắc xin người dân tự mua, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 52.000 con lợn được tiêm vắc xin phòng DTLCP. Qua theo dõi đàn lợn sau tiêm, tỷ lệ lợn chết do phản ứng với thuốc rất thấp, chỉ chiếm 0,039%, chủ yếu là những con đã tiềm ẩn vi rút DTLCP.
Thời điểm hiện nay, đàn lợn được tiêm vắc xin phòng DTLCP cơ bản phát triển tốt, có kháng thể kháng vi rút DTLCP. Nhờ đó, tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn tương đối ổn định, có chiều hướng giảm, không có xã mới phát sinh bệnh dịch.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu tháng 8 đến nay, bệnh chỉ xảy ra tại 205 hộ dân, số lợn chết, tiêu hủy là 930 con với trọng lượng trên 34,3 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 74/154 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch.
Ông Vi Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 3.745 con lợn trong diện tiêm vắc - xin. Chúng tôi đã triển khai tiêm đồng loạt tại các xã, thị trấn từ ngày 11 đến ngày 19/7. Đến nay, đàn lợn được tiêm vắc - xin phòng DTLCP đã có kháng thể kháng lại vi rút DTLCP, đàn lợn phát triển ổn định, tình hình bệnh DTLCP đã giảm cơ bản so với trước, từ đầu tháng 8 đến nay trên địa bàn không phát sinh bệnh DTLCP.
Mặc dù đàn lợn trong diện được tiêm phòng vắc xin đã có kháng thể kháng lại vi rút DTLCP nhưng do vắc - xin vẫn chưa bao phủ toàn bộ đàn lợn, trong đó có khoảng 36.000 con lợn thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng, 9.000 con lợn giống, do vậy nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể phát sinh và lây lan.
Trong thời gian tới, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng đó, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin khi tái đàn, đặc biệt là vắc xin DTLCP để tạo tấm "lá chắn" ngăn ngừa bệnh dịch hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/hieu-qua-tu-tiem-phong-vac-xin-dich-ta-lon-chau-phi-5018508.html