Ngày hội giao lưu toán, tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ: Tạo lan toả, góp phần nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ

Thứ 4, 28.08.2024 | 09:53:35
469 lượt xem

Trong tháng 7 và tháng 8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức ngày hội giao lưu toán, tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ cấp cụm và cấp tỉnh nhằm giúp học viên xóa mù chữ có cơ hội giao lưu, học hỏi và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, thông quá đó truyền cảm hứng cho những người chưa biết chữ tiếp tục đến học chữ.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã mở được 65 lớp xóa mù chữ, thu hút hơn 2.000 người tham gia. Những lớp học này do trung tâm học tập cộng đồng phối hợp tổ chức.

Hiện tại, toàn tỉnh còn khoảng 20.000 người chưa biết chữ, tập trung chủ yếu ở các xã vùng đặc biệt khó khăn. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, từ đầu năm 2024, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường truyền thông về tầm quan trọng của việc biết chữ và hợp tác với các tổ chức xã hội để mở thêm các lớp học phù hợp với điều kiện sống của người dân; tổ chức ngày hội giao lưu để tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học viên lớp xóa mù chữ.

Học viên tham gia làm bài thi tại ngày hội giao lưu Toán, tiếng Việt

Học viên tham gia làm bài thi tại ngày hội giao lưu Toán, tiếng Việt

Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết: Để nâng cao hiệu quả học tập cho học viên xóa mù chữ, phòng đã xây dựng kế hoạch, tham mưu lãnh đạo sở tổ chức hội thi cho học viên xóa mù chữ tham gia. Qua đó, từ cuối tháng 7/2024 đến nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo,  tổ chức ngày hội giao lưu toán, tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Đây là hội thi lần đầu tiên được tổ chức. Ngoài thi kiến thức, học viên cũng được khuyến khích tham gia các phần thi như đọc, viết, tính toán và biểu diễn văn nghệ, giúp họ tự tin hơn và thể hiện những gì đã học được.

Thực hiện kế hoạch của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện đã triển khai rộng rãi, phát động ngày hội tới toàn thể cán bộ, giáo viên các trường có cấp tiểu học, các trung tâm học tập cộng đồng, tuyên truyền, vận động học viên tham gia ngày hội.

Các trường tiểu học tham gia dạy xóa mù chữ đã tích cực tổ chức ôn tập cho học viên để chuẩn bị kiến thức tham gia ngày hội. Các phòng GD&ĐT đã phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng các xã, đảm bảo công tác đưa, đón học viên đến địa điểm thi an toàn, huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tối đa cho học viên về phương tiện đi lại, bố trí bữa ăn, nơi nghỉ cho học viên.

Đến với ngày hội dành cho học viên xóa mù chữ cấp huyện, cấp tỉnh có nhiều thí sinh cao tuổi (21 người ở độ tuổi từ 55 - 60); nhiều thí sinh nỗ lực vượt khó, sắp xếp công việc gia đình để tham gia ngày hội. Có thể kể đến như học viên Triệu Sinh Lý và Đặng Thị Sơn ở huyện Bắc Sơn là 2 vợ chồng đã gần 60 tuổi vẫn nhiệt tình tham gia thi; huyện Hữu Lũng có học viên Nông Văn Tuyền sức khỏe hạn chế, tay phải hầu như không cử động được, làm việc và viết đều bằng tay trái vẫn nố lực tham gia ngày hội cấp cụm và đạt giải nhất...

Theo đánh giá của ban giám khảo, quá trình làm bài thi, các học viên đều tích cực làm bài, nhiều bài thi trình bày tốt, nét chữ đẹp; làm toán khá thành thạo, viết văn hay, có ý tưởng giới thiệu để phát triển sản vật địa phương.

Tại cuộc thi cấp cụm có 222 học viên tham gia với trên 85% là người dân tộc thiểu số. Qua dự thi có 189 học viên đạt giải, chiếm 85,1% tổng số thí sinh tham gia thi, trong đó có 7 giải nhất, 35 giải nhì, 57 giải ba và 90 giải khuyến khích.

Trên cơ sở kết quả thi của ngày hội cấp cụm, Sở GD&ĐT lựa chọn học viên tham dự ngày hội cấp tỉnh với 88 học viên, dự thi 2 môn toán và tiếng Việt, thời gian làm bài 45 phút/môn. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 20 giải nhì, 20 giải ba và 35 giải khuyến khích.

Chị Hoàng Thị Lẻn, học viên đến từ xã Đề Thám, huyện Tràng Định chia sẻ: Nhà tôi cách trung tâm thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định 20 km. Trước đây do điều kiện gia đình khó khăn, tôi không được đến lớp học, không biết đọc, không biết viết. Từ khi được học lớp xóa mù chữ, tôi đã biết đọc, biết viết, tính toán và hiểu biết thêm các kiến thức mới, biết cập nhật những kiến thức trên ti vi, trên điện thoại thông minh... Vừa qua khi được chọn tham gia ngày hội giao lưu toán, tiếng Việt, tôi đã cố gắng ôn luyện, học tập, nhờ đó tôi làm bài khá tốt, được ban giám khảo ghi nhận và khen thưởng. Đó cũng là sự khích lệ rất lớn với những người được học lớp xóa mù chữ như tôi.

Qua đây có thể thấy, ngày hội giao lưu toán, tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ cấp cụm và cấp tỉnh đã tạo cơ hội cho những học viên tham gia lớp xóa mù chữ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tạo động lực, truyền cảm hứng để những người chưa biết chữ tiếp tục đăng ký tham gia học chữ, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/hanh-trinh-xoa-mu-chu-cam-hung-tu-ngay-hoi-giao-luu-5019592.html

  • Từ khóa