Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Lạng Sơn làm tốt công tác ứng phó với cơn bão số 3 - YAGI

Thứ 2, 09.09.2024 | 16:38:11
358 lượt xem

LSTV - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, bão Yagi (cơn bão số 3) là một trong những cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 10 năm qua, có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Từ đêm 06/9 đến sáng 09/9/2024, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra mưa lớn diện rộng, gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối; sạt lở đất trên sườn dốc...

Cán bộ Cảnh sát giao thông Công an thành phố dọn dẹp cây đổ trên đường phố

Thực hiện Công điện của Bộ Công an, chỉ đạo của Lãnh đạo Công an tỉnh, qua theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết, ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 3, Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức trực 100% quân số; chuẩn bị tối đa về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư, nhiên liệu; sẵn sàng tham gia hỗ trợ các đơn vị và thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố tai nạn giao thông trên đường thủy cũng như có yêu cầu của cấp trên; không để bị động, bất ngờ.

 Cảnh sát giao thông - trật tự Công an các huyện nhanh chóng triển khai cán bộ, chiến sĩ dọn dẹp đường xá

Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó cơn bão số 3 - Yagi, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Để làm tốt công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời với cơn bão số 3 - Yagi không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, nhất là công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo:

1. Nên chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý tình huống biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường... Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

2. Nếu có thể tìm được con đường khác, người dân nên hạn chế di chuyển trên cầu cao vào những ngày mưa gió giật mạnh. Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, nên di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe và hạ thấp đầu để tránh bị “gió tạt bay”.

3. Tránh băng qua cầu nếu nước đang dâng cao và chảy xiết. Tránh băng qua cống nước, chúng có thể rất nguy hiểm vì nước rất xoáy và mạnh.

4. Mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô, dù. Khi đi đường trong những ngày mưa bão, gió giật mạnh, nên mặc kiểu quần và áo mưa tách rời. Giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông.

5. Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.

6. Tuyệt đối tránh khi đi đường ngày mưa bão là cố gắng đi nhanh để đến địa điểm sớm. Tốc độ cao khiến sức gió thổi lớn hơn sẽ gây bị động không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp.

7. Người dân nên chủ động hạn chế lưu thông trên đường, không dừng đỗ, trú mưa dưới gốc cây, gần khu vực có điện…

Trong những ngày mưa bão, lực lượng ứng trực trên đường ngoài nhiệm vụ điều tiết giao thông cũng sẽ chủ động giúp đỡ người dân khi cần thiết. Chủ động giám sát tình hình qua hệ thống camera để kịp thời thông báo xử lý các tuyến đường xảy ra ngập úng, có hiện tượng cây đổ, gây khó khăn khi tham gia giao thông, để người dân chủ động phòng tránh.


Hoàng Thơ – Công an tỉnh

  • Từ khóa