Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) ngay từ cấp học đầu đời là rất quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác giáo dục BVMT gắn với chủ đề "Xây dựng trường mầm non hạnh phúc - lấy trẻ làm trung tâm", qua đó giúp trẻ hình thành thói quen BVMT.
Bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 230 trường mầm non với hơn 50.000 học sinh. Hằng năm, để triển khai hiệu quả công tác giáo dục về BVMT, phòng đã tham mưu sở yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non lồng ghép nội dung này vào trong các bài giảng và các hoạt động ngoại khoá ở tất cả các độ tuổi; khuyến khích các trường mầm non tổ chức cho giáo viên tự làm đồ dùng, đồ chơi dạy học từ rác thải nhựa, nguyên liệu tái chế... Qua đó, 100% trường mầm non đều hưởng ứng tham gia và thực hiện tốt, giúp trẻ hình thành ý thức BVMT ngay từ khi còn nhỏ.
Giáo viên Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn chuẩn bị đồ dùng học tập tự tạo
Tại Trường Mầm non thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, việc giáo dục trẻ BVMT được thực hiện thông qua các hoạt động như hướng dẫn trẻ vứt rác đúng nơi quy định; khi nhìn thấy rác ở sân trường thì hướng dẫn trẻ biết nhặt bỏ vào thùng rác; hướng dẫn và nhắc nhở trẻ không vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng hoặc biết nhắc nhở khi nhìn thấy người khác vứt rác bừa bãi... Nhà trường còn cho trẻ cùng tham gia các hoạt động tự phục vụ tại trường, lớp như: trực nhật, nhặt giấy vụn, lá cây trên sân trường; gieo hạt, trồng cây tại “vườn rau của bé”; tưới nước cho cây trong bồn hoa…
Bà Hà Thị Lại, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Na Sầm cho biết: Với trẻ, việc tham gia BVMT được thực hiện bằng những hành động nhỏ hằng ngày. Trong 5 năm học gần đây, trường đã chủ động lồng ghép những nội dung, kiến thức về BVMT phù hợp với độ tuổi của trẻ trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài trời. Từ đó, đa số các bé trong trường đều có ý thức BVMT, không vứt rác bừa bãi; các bé cũng tích cực tham gia các hoạt động về chủ đề này.
Hay như tại Trường Mầm non Đề Thám, huyện Tràng Định, số lượng đồ dùng, đồ chơi từ rác thải nhựa, phế phẩm tái chế do các giáo viên của trường tự tạo chiếm tới hơn 60%. Ðể có số lượng đồ chơi từ rác thải nhựa, phế phẩm phong phú như vậy, trong mỗi năm học, nhà trường tổ chức 3 lần huy động phụ huynh ủng hộ các vật liệu đã qua sử dụng như: can, chai, lọ nhựa, bìa các tông, lịch treo tường, giấy... đã qua sử dụng để phục vụ việc trang trí trường, lớp học, làm đồ dùng học tập. Đặc biệt, nhà trường khuyến khích tất cả giáo viên tận dụng rác thải nhựa, phế phẩm để làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho các bé hoặc trang trí trường, lớp học. Nhờ đó, những năm qua, nhà trường được cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị mẫu trong việc xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Cô Lương Thu An, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đề Thám cho biết: Nội dung giáo dục trẻ biết yêu quý và BVMT được nhà trường tổ chức ở mọi lúc, mọi nơi, từ các tiết dạy đến giờ chơi, thậm chí trong các giờ ăn của trẻ. Ðặc biệt, chúng tôi luôn yêu cầu giáo viên phải tận dụng rác thải nhựa, vật liệu tái chế để làm đồ chơi, đồ dùng học tập, qua đó giúp trẻ có ý thức BVMT.
Nếu như năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh mới có gần 30% trường mầm non được công nhận trường "xanh - sạch - đẹp - an toàn" thì đến năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có trên 98% trường mầm non được công nhận trường "xanh - sạch - đẹp - an toàn"; hầu hết trẻ mầm mon có ý thức trong công tác BVMT, đặc biệt là tại trường, lớp học...
Chị Hoàng Thu Thuỷ, phụ huynh học sinh lớp 5 tuổi, Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn cho biết: Con tôi khi tan trường về nhà thường kể cho bố mẹ nghe ở trường thường được cô giáo dạy về BVMT thông qua những hành động nhỏ như: biết sử dụng điện, nước một cách tiết kiệm; biết phân loại và vứt rác đúng nơi quy định; biết dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Con còn biết giúp mẹ trồng và chăm sóc cây xanh tại nhà… Từ những việc làm dù nhỏ thôi nhưng tôi nhận thấy con của mình đã có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, biết yêu môi trường sống xanh, sạch, đẹp xung quanh mình.
Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục các nội dung, kiến thức về chủ đề BVMT đến trẻ mầm non bằng nhiều hình thức. Trong đó, sẽ chú trọng nghiên cứu, đưa ra nhiều cách làm hay, sáng tạo hơn nữa để sử dụng hiệu quả rác thải nhựa, phế phẩm qua sử dụng vào việc trang trí khuôn viên trường, lớp học và làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc dạy và học. Để qua đây không chỉ góp phần giảm nguy hại của rác thải nhựa mà còn tăng cường giáo dục ý thức BVMT cho trẻ mầm non - học sinh ở cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, góp phần tạo nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ.
Theo baolangson.vn