Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cụm, khu công nghiệp

Thứ 2, 30.12.2024 | 15:15:10
308 lượt xem

Việc chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là một hướng đi rất quan trọng và thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) và sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Lạng Sơn là 1 tỉnh miền núi biên giới, có tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển các khu công nghiệp trên địạ bàn. Nhận thức rõ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng quan tâm đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nhằm hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhu cầu thực tiễn

Phát triển công nghiệp là một trong những khâu đột phá chiến lược được tỉnh Lạng Sơn xác định. Để thu hút, tạo điều kiện cho các DN đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 45 ngày 1/9/2021 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công nghiệp được xác định là một trong bốn khâu đột phá phát triển. Trong đó, thời kỳ 2021-2030 định hướng của tỉnh là phát triển 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.158,1 ha.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp như: Đình Lập (huyện Đình Lập), VSIP Lạng Sơn (huyện Hữu Lũng), cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 (huyện Bắc Sơn) và nhiều cụm công nghiệp khác. Việc mở rộng và xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp này tạo ra nhu cầu lớn về lao động.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh

Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có trên 60 nghìn NLĐ đi làm việc tại các khu công nghiệp của các tỉnh bạn trong cả nước. Để đáp ứng nhu cầu về lao động và nguồn nhân lực có chất lượng cho các khu, cụm công nghiệp đang được xây dựng trên địa bàn tỉnh, ngành lao động đã chỉ đạo các cơ sở GDNN, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng và chú trọng đào tạo các ngành, nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng của các khu, cụm công nghiệp của tỉnh khi đi vào hoạt động trong thời gian tới. Với phương châm chủ động đón đầu sẽ tạo ra cung – cầu phù hợp, giải quyết công ăn việc làm cho lao động của tỉnh, để NLĐ có thể gắn bó với quê hương, không phải đi làm tại các khu công nghiệp ở các tỉnh trong cả nước như hiện nay.

Chú trọng đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực

Đào tạo nghề cho NLĐ, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho khu, cụm công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của ngành lao động, các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Theo dự báo, ngành nghề hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung vào nhiều lĩnh vực như: chế biến, chế tạo, công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng,.. Mỗi ngành nghề sẽ có yêu cầu khác nhau về số lượng và chất lượng lao động. Tỷ lệ lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp cũng ảnh hưởng đến nhu cầu lao động, bởi khi tỷ lệ lấp đầy cao, đồng nghĩa với việc các DN đi vào hoạt động ổn định và cần tuyển dụng nhiều lao động hơn.

Doanh nghiệp tư vấn đào tạo nghề, việc làm cho học sinh trên địa bàn huyện Cao Lộc tại ngày hội việc làm của huyện

Doanh nghiệp tư vấn đào tạo nghề, việc làm cho học sinh trên địa bàn huyện Cao Lộc tại ngày hội việc làm của huyện

Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, ngay từ đầu năm, Sở LĐTB&XH đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo nghề cho lao động trong DN trên địa bàn tỉnh. Thực hiện triển khai gắn kết với DN trong công tác đào tạo, chủ động đẩy mạnh hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Cùng với đó tích cực chủ động tìm các đơn hàng để hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các DN có nhu cầu sử dụng qua đào tạo thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của DN nhằm hỗ trợ, phát triển DN, chú trọng tư vấn đào tạo về công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hoá... cho NLĐ. Các huyện, thành phố đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với DN; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến DN; các DN đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại DN được hình thành.

Ông Phùng Chí Định, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB&XH cho biết: Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các DN thông qua việc ký kết hợp tác với các DN trong tổ chức đào tạo, thực tập và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp như: Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn trong việc ký kết hợp tác với Công ty TNHH MTV ĐK Việt Nhật; Trường Cao đẳng Y tế ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu, Bệnh viện đa khoa tỉnh… Nhiều trường mời DN tham dự lễ tốt nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên tốt nghiệp; tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.

Nhằm tạo điều kiện để các cơ sở GDNN, các DN tham gia hoạt động GDNN tham gia tuyển sinh và đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, trong đó có các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 13/8/2023 phê duyệt danh mục nghề đào tạo; phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với một số đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề giới thiệu các ngành học trung cấp, cao đẳng hiện nhà trường đang đào tạo cho học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề giới thiệu các ngành học trung cấp, cao đẳng hiện nhà trường đang đào tạo cho học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn cho biết: Với mục tiêu đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường trong GDNN, hàng năm, Trường có hàng trăm học sinh sinh viên, học viên theo học ở nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau. như: Điện công nghiệp, công nghệ ô-tô, cơ khí hàn, may thời trang và công nghệ thông tin,.. Qua theo dõi, nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp những năm gần đây có sự chuyển dịch khá rõ. Nếu như trước đây, ngành may cần số lượng lao động lớn, còn hiện nay, ngành điện và công nghệ ô-tô đã và đang được thị trường rất quan tâm. Để nâng cao chất lượng GDNN, trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên của trường, qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN trong và ngoài tỉnh, nhất là đón đầu nhu cầu của các khu, cụm DN của tỉnh trong thời gian tới. 

Công tác liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN và DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được đẩy mạnh, thông qua các chương trình phối hợp đào tạo, như: Đào tạo theo đơn đặt hàng; phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập theo hình thức kết hợp giữa học lý thuyết tại các nhà trường và học thực hành tại các DN; phối hợp cho học sinh, sinh viên thực tập tốt nghiệp tại DN . . . Thông qua các hình thức gắn kết giữa GDNN với DN đã từng bước nâng cao kiến thức cũng như tay nghề của học sinh, sinh viên. Giúp cho các cơ sở GDNN, các DN, giáo viên cũng như học sinh, sinh viên đạt được những hiệu quả rõ rệt.

Em Nguyễn Dương Liễu, Lớp Trung cấp Tin 23, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Em học năm thứ nhất ngành quản trị mạng, mong muốn sau khi học xong sẽ có việc làm phù hợp. Hiện nay, chúng em được học và thực hành, thực tập trong môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế của DN, qua đó tiếp cận được quy trình công nghệ, tính thực tiễn của sản xuất góp phần nâng cao kỹ năng, tay nghề. Qua đó giúp em và các bạn có cơ hội được tiếp cận với việc làm, được tư vấn, giới thiệu để lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực của bản thân, nhất là khi tỉnh đã và đang xây dựng các khu, cụm công nghiệp, chúng em càng có thêm nhiều cơ hội việc làm.

Với những nỗ lực trong đào tạo nghề, năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ trong GDNN được 20.746 học viên (Trình độ sơ cấp là 10.260 học sinh; trung cấp được 3.016 học sinh; cao đẳng được 877 sinh viên; dưới 3 tháng là 6.593 học viên); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%, tăng 2% so với năm 2023; tạo việc làm mới cho khoảng 18.500 người lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 100% kế hoạch.

Với phương thức nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với các ngành nghề phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới hy vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/bai-pr-so-xuan-at-ty-2025-dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-su-dung-lao-dong-cua-cac-cum-khu-cong-nghiep-5033460.html

  • Từ khóa