Bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương: Đảm bảo hợp lý, đúng quy định

Thứ 4, 08.01.2025 | 08:52:41
127 lượt xem

Nhằm sắp xếp, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành các nghị quyết, nghị định về thực hiện rà soát, thu hồi, bàn giao đất về cho địa phương quản lý. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt các quyết định thu hồi đất nông, lâm trường bàn giao về địa phương với tổng diện tích trên 16.700 ha.

Người dân thôn Pò Phấy, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc chăm sóc rừng thông trồng trên diện tích đất nông, lâm trường mới được Nhà nước giao về gia đình quản lý, sử dụng

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3 công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và chính sách đối với các công ty nông, lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc. 

Tích cực xây dựng phương án sử dụng đất

Trên cơ sở phương án sử dụng đất được phê duyệt, từ năm 2018 đến năm 2022, UBND tỉnh ban hành các quyết định cho 3 công ty thuê đất với tổng diện tích 13.666,63 ha.

Để quản lý, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, ngay khi hoàn thành dự án đo đạc đất nông, lâm trường đối với phần đất của 3 công ty lâm nghiệp giữ lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-UBND ngày 28/2/2017 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán Dự án xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các đối tượng sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.

Ông Chu Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Sở TN&MT là cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch và trực tiếp hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ cho các đối tượng sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ đầu năm 2018, Sở TN&MT đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai các nội dung tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; thực hiện đúc mốc, cắm 697 mốc ranh giới và đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính tại 49/49 xã, phường, thị trấn với diện tích thực tế đo đạc là 27.211 ha. Sau khi hoàn thành công tác đo đạc, Sở TN&MT đã bàn giao hệ thống tài liệu, hồ sơ, bản đồ địa chính đo đạc theo hiện trạng sử dụng đất đối với phần đất các công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương để UBND các huyện lập phương án sử dụng đất. Theo đó, toàn tỉnh có 16.779,94 ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường tại 35 xã, thị trấn của 5 huyện được bàn giao về địa phương.

Ngoài ra, để đảm bảo xây dựng phương án sử dụng đất hiệu quả, Sở TN&MT còn xây dựng mẫu đề cương, các tài liệu hồ sơ kèm theo hướng dẫn UBND cấp huyện trong công tác xây dựng và triển khai phương án sử dụng đất đối với phần quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc các huyện xây dựng phương án sử dụng đất...

Ông Nguyễn Công Hưng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Đình Lập cho biết: Trên địa bàn huyện có 4.834,54 ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý. Để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Phòng TN&MT đã tham mưu UBND huyện xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng kế hoạch thực hiện phương án sử đụng đất được UBND tỉnh phê duyệt; công bố công khai rộng rãi phương án sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ đăng ký đất đai thực hiện giao đất, thuê đất, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân theo phương án được duyệt; giao đất tại thực địa. Đồng thời, quản lý chặt chẽ phần đất giữ lại để sử dụng vào mục đích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đình Lập có 5/5 xã, thị trấn được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất với tổng diện tích 4.834,54 ha. UBND huyện đã ban hành quyết định giao đất, cấp GCNQSDĐ cho 775 hộ với tổng diện tích 1.727,29 ha.

Không riêng tại huyện Đình Lập, tính đến giữa tháng 12/2024, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các công ty lâm nghiệp tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất của 33/35 xã để tổ chức thực hiện. Thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, căn cứ Quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp huyện, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh 18 phương án sử dụng đất tại 18 xã (6 xã của huyện Lộc Bình, 12 xã thuộc huyện Hữu Lũng). Tính đến ngày 15/12/2024, UBND các huyện đã ban hành quyết định giao đất, cấp GCNQSDĐ cho 1.969 hộ gia đình, cá nhân, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng đối tượng, phương án được phê duyệt với diện tích 2.506,68 ha.

Anh Lý Văn Hóa, thôn Pò Phấy, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Cuối năm 2022, gia đình tôi được UBND huyện Cao Lộc giao trên 31.000 m2 đất có nguồn gốc nông, lâm trường (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình) để gia đình quản lý, phát triển kinh tế. Được Nhà nước giao đất, gia đình tôi rất phấn khởi và yên tâm canh tác, sản xuất trên diện tích đất này. Hiện gia đình đang tích cực chăm sóc rừng thông đã trồng trên diện tích đất trên.

Theo khoản 2, điều 15, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp: đất thu hồi của công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương được Nhà nước ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất; hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất...

 Khẩn trương thanh lý tài sản trên đất

Theo số liệu báo cáo, trong tổng số 16.779,94 ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường được bàn giao về địa phương quản lý có 747,17 ha đất có tài sản trên đất cần thực hiện thanh lý hợp đồng giao khoán với người dân. Tài sản trên đất chủ yếu là rừng sản xuất.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc cho biết: Trước đây, công ty thực hiện ký hợp đồng giao khoán với người dân để trồng rừng. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất có nguồn gốc nông, lâm trường về địa phương quản lý, công ty có 7.341,13 ha phải bàn giao về địa phương. Trong đó có 101,04 ha với 161 hộ tại 7 xã có tài sản trên đất cần thanh lý. Để thanh lý, giải quyết dứt điểm tài sản để thực hiện bàn giao đất về địa phương quản lý, công ty đã phối hợp với UBND các xã tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương của Nhà nước, của tỉnh; ban hành thông báo thanh lý hợp đồng gửi từng hộ dân; cử đại diện phối hợp với xã làm việc với từng hộ, tuyên truyền vận động và thống nhất mức thu sản phẩm khoán phải nộp cho công ty để thanh lý hợp đồng… Đến nay, công ty đã phối hợp giải quyết thanh lý các hợp đồng giao khoán được 97,24 ha của 150 hộ. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thanh lý hợp đồng giao khoán; đề xuất cấp uỷ, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, giải thích đến người dân. Qua đó, đảm bảo giao đất về địa phương quản lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tương tự Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc, các công ty lâm nghiệp có đất bàn giao về địa phương cũng tích cực thực hiện thanh lý hợp đồng giao khoán với người dân để bàn giao đất về địa phương quản lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến tháng 9/2024, các công ty lâm nghiệp đã thực hiện thanh lý tài sản trên đất được 326 ha. Toàn tỉnh còn khoảng 420 ha đất có tài sản của công ty lâm nghiệp cần thực hiện giải quyết thanh lý với người dân được giao khoán để bàn giao đất về địa phương quản lý, sử dụng.

Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tập trung rà soát, xác định rõ ranh giới, cấp GCNQSDĐ cho người dân và các công ty lâm nghiệp theo phương án đã được phê duyệt; tích cực giải quyết dứt điểm diện tích tranh chấp, lấn chiếm... Từ đó, góp phần ổn định tình hình quản lý, sử dụng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/ban-giao-dat-nong-lam-truong-ve-dia-phuong-tang-quan-ly-nang-hieu-qua-5030231.html

  • Từ khóa