Không hẹn mà gặp, trong tuần qua, hàng loạt thông tin liên quan tới xe điện đã đồng loạt "lên sóng", cả trực tiếp và gián tiếp, cả tích cực và tiêu cực...
Tesla triệu hồi gần như toàn bộ xe sản xuất tại Trung Quốc
Hãng xe điện số 1 thế giới đang phải triệu hồi gần 300.000 xe tại Trung Quốc.
Lý do cơ quan chức năng nước này buộc Tesla phải triệu hồi xe là hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control) có thể vô tình bị kích hoạt, khiến xe tăng tốc bất ngờ, làm tăng nguy cơ mất an toàn.
Tesla đã ra bản cập nhật phần mềm để khắc phục lại lỗi này, nhưng hãng vẫn phải triệu hồi để kiểm tra các xe đã bán ra để đảm bảo chúng không gặp phải sự cố khi vận hành.
Đợt triệu hồi sẽ ảnh hưởng tới hơn 285.000 chiếc xe Tesla; trong đó có 250.000 chiếc Model 3 và Model Y được sản xuất tại nhà máy Tesla Thượng Hải, tương đương 93,7% lượng xe mà Tesla đã sản xuất tại Trung Quốc.
Xôn xao xung quanh một vụ cháy xe Tesla khó hiểu
Một chiếc Tesla Model S Plaid 2021 mới tinh đã bốc cháy vào 9h tối 30/6 ở Haverford, bang Pennsylvania, Mỹ, khi chủ xe đang cầm lái.
Đây là mẫu xe nhanh nhất và mới nhất của Tesla; hãng mới chỉ bắt đầu tiến hành giao xe cho khách hàng từ tháng 6.
Vụ việc trên gây xôn xao vì được đánh giá là khá kỳ lạ. Trước nay, các vụ cháy xe điện thường xảy ra khi xe đang sạc hoặc sau khi va chạm. Trong trường hợp này, xe bốc cháy khi đang chạy trên đường.
Cơ quan An toàn đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết đã ghi nhận sự việc trên và đang liên hệ với các cơ quan chức năng và nhà sản xuất để thu thập thêm thông tin.
Porsche triệu hồi xe điện Taycan trên toàn thế giới
Porsche sẽ triệu hồi toàn bộ 43.000 chiếc xe điện Taycan trên toàn thế giới sau khi ghi nhận nhiều trường hợp xe bị mất điện đột ngột, dẫn tới chết máy, xe dừng hoạt động.
Nguyên nhân được xác định là do trục trặc ở hệ thống pin và giải pháp khắc phục của hãng là cập nhật phần mềm.
Porsche đã ghi nhận lỗi này trên khoảng 130 chiếc Taycan, nhưng may mắn là chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan.
Volkswagen sẽ trở thành hãng xe điện
Theo tiết lộ của lãnh đạo công ty, từ sau năm 2035, Volkswagen sẽ không còn bán xe động cơ đốt trong truyền thống tại châu Âu nữa mà chuyển hẳn sang xe chạy điện. Với các thị trường khác, thời hạn sẽ muộn hơn một chút, do chưa đủ cơ sở hạ tầng cần thiết cũng như sự chuẩn bị đón nhận của khách hàng để tiến hành chuyển đổi.
Mục tiêu của Volkswagen là đến năm 2050, toàn bộ danh mục sản phẩm của hãng sẽ là xe không phát thải CO2. Cần lưu ý rằng đây là mục tiêu của thương hiệu Volkswagen, chứ không phải toàn bộ Tập đoàn Volkswagen.
Tuy nhiên, trước đó, một thương hiệu khác thuộc Tập đoàn Volkswagen là Audi cũng đã tuyên bố sẽ dừng phát triển xe động cơ đốt trong vào cuối năm 2026 để tập trung làm xe thuần điện.
Cũng thuộc Tập đoàn Volkswagen, nhưng thương hiệu Lamborghini có hướng điện hóa danh mục sản phẩm của mình khác một chút, do đặc thù chuyên về siêu xe. Theo đó, từ năm 2024, tất cả các mẫu xe của Lamborghini sẽ sử dụng động cơ điện, theo cách này hay cách khác, tức là chưa loại bỏ hoàn toàn mà chỉ giảm vai trò của động cơ đốt trong. Công nghệ hybrid là tương lai gần của Lamborghini.
Trước Audi và Volkswagen, đã có Bentley, Ford, GM, Honda, Hyundai, Jaguar, và thậm chí là cả Ferrari công bố các kế hoạch cắt giảm hoặc dừng toàn bộ việc phát triển động cơ đốt trong để tập trung làm xe thuần điện.
Ngày càng nhiều nước chốt kế hoạch cấm bán xe chạy xăng, dầu
Trong tuần qua, Canada đã nối dài thêm danh sách các nước chốt kế hoạch cấm bán xe mới chạy xăng và diesel để chuyển sang xe xanh.
Theo đó, đến năm 2035, chỉ có xe ô tô không khí thải mới được phép bán tại Canada.
Trước Canada, cách đây khoảng hai tuần, Indonesia cũng đã quyết định đến năm 2040 sẽ chỉ cho phép bán xe máy điện, và từ năm 2050, sẽ cấm hoàn toàn việc bán xe ô tô chạy xăng, dầu ở nước này.
Như vậy, tính đến nay đã có khá nhiều nước chốt kế hoạch cấm xe chạy xăng, dầu, như Anh, Na Uy, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản...
Nhật Minh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/xe-dien-chiem-song-thong-tin-o-to-tuan-qua-20210704021043558.htm