Thời của ôtô điện đã tới trên toàn cầu, Việt Nam cần tăng tốc điều chỉnh chính sách khuyến khích dòng xe này để không bỏ lỡ cơ hộ
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính ghi nhận ôtô điện hiện chỉ chiếm khoảng 2,6% tổng lượng xe bán ra trên toàn cầu mỗi năm nhưng mức tăng trưởng lên tới 50%. Tại Mỹ, doanh số ôtô điện năm 2019 tăng 21% so với năm 2018; tại châu Âu, 6 tháng đầu năm 2020, lượng ôtô điện bán ra tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019.
Chưa hấp dẫn thị trường Việt Nam
Ở Việt Nam, có 33% người tiêu dùng được hỏi đã trả lời họ nghĩ đến mua ôtô điện chạy pin ngay từ lần đầu ra mắt, cho thấy đây là thị trường tiềm năng. Tuy vậy, ôtô điện chạy pin hiện chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên thị trường Việt Nam. Hiện chỉ có Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast đầu tư sản xuất ôtô điện với công suất 250.000 chiếc/năm. Ôtô điện nhập khẩu hầu như vắng bóng dù nhiều hãng xe có mặt tại Việt Nam đã sở hữu hoặc cung ứng một số dòng cho thị trường quốc tế.
Ôtô điện sẽ được lựa chọn bởi tín đồ công nghệ và nhóm người tiêu dùng muốn bảo vệ môi trường .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Honda đang tiêu thụ khá nhiều mẫu ôtô điện trên thế giới nhưng chưa quyết định "khai phá" thị trường Việt Nam dù Việt Nam vốn là "khách quen" của hãng này. "Sản xuất ôtô điện không phải điều quá khó, quan trọng là cơ sở hạ tầng của nước sở tại đáp ứng được đến đâu. Nếu hạ tầng tại Việt Nam đáp ứng được cho ôtô điện vận hành thì ngay lập tức xe điện Honda sẽ có mặt" - đại diện Honda Việt Nam giải thích.
Tương tự, Mitsubishi Việt Nam cũng thừa nhận dù hãng đã có một số mẫu ôtô điện nhưng chưa thể đưa về Việt Nam bởi nhiều lý do, trong đó có vấn đề giá cả. Đại diện hãng này phân tích: Giá ôtô hiện khá cao, chưa kể nhiều loại thuế, phí khiến xe nhập bị đội giá đáng kể trong khi người tiêu dùng chưa được hưởng ưu đãi gì nổi bật. Bên cạnh đó, các yếu tố hạ tầng trong nước như trạm sạc, nguồn điện... cũng cần thêm thời gian để dần hoàn thiện.
Có ý tưởng về việc trình làng mẫu ôtô điện Jaguar I-Pace tại Việt Nam song đại diện Jaguar Land Rover Việt Nam cho biết hãng vẫn chưa có kế hoạch ra mắt chính thức trong năm nay do đánh giá vấn đề hạ tầng và giao thông cần phải tương thích hơn nữa để vận hành. Hãng Volkwagen với khá nhiều mẫu ôtô điện đang được tiêu thụ trên thế giới cũng có dự định đưa 2 dòng ID.3 và ID.4 về Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, 2 mẫu xe được đưa về nước sớm hay muộn tùy thuộc vào điều kiện hạ tầng cũng như các chính sách riêng dành cho phân khúc đặc biệt này.
Volkswagen cùng nhiều hãng xe khác như MG, Mitsubishi... bày tỏ mong muốn hệ thống chính sách tại Việt Nam được xây dựng đồng bộ, thống nhất để hãng yên tâm xây dựng kế hoạch đầu tư - phát triển phù hợp.
Chờ lộ trình sửa chính sách
Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận hiện chưa có chính sách đúng nghĩa cho ôtô điện. Ôtô điện hiện nay hưởng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15%, thấp hơn so với mức 35%-50% dành cho xe chạy xăng, dầu. Tuy nhiên, do giá ôtô điện cao hơn dòng xe tương tự chạy xăng nên mức ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như trên chưa đủ để tạo cạnh tranh cho dòng xe thân thiện với môi trường.
Về phía Bộ Tài chính, bộ này dự kiến báo cáo Thủ tướng hàng loạt vấn đề liên quan đến thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng ôtô điện. Tuy nhiên, thời gian, tiến độ sửa đổi văn bản phụ thuộc vào lộ trình xây dựng luật, quy định của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho hay nội dung đề xuất sửa đổi cần trình cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội. Còn về lệ phí trước bạ, thẩm quyền sửa đổi thuộc về Chính phủ. Vừa qua, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của một số hiệp hội về điều chỉnh mức thu lệ phí trước bạ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ôtô trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như một số vướng mắc về đối tượng chịu lệ phí trước bạ, đối tượng được miễn... Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể để trình Chính phủ nội dung sửa đổi, dự kiến trong quý IV/2021.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Bộ Công Thương có trách nhiệm thiết kế chiến lược cụ thể liên quan đến chính sách dành cho ngành công nghiệp ôtô nói chung và ôtô điện nói riêng để không bị chậm nhịp so với xu hướng phát triển của thế giới. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến chính sách hỗ trợ thiết thực để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực phụ trợ cho sản xuất xe điện, đồng thời hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất ôtô điện. Nếu không, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều mất cơ hội và phải nhường "sân" cho xe nhập khi thời của ôtô điện đang đến gần.
UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) trong khuôn khổ hợp tác, xây dựng chính sách với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khuyến nghị ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nên tập trung vào chuyển đổi sang ôtô điện trong trung - dài hạn bằng lộ trình cấp quốc gia với sự cân bằng giữa 2 yếu tố cung - cầu.
Bài toán nguồn điện
Phân tích của Bộ Công Thương cho thấy các nhà máy thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết. Nguồn điện tái tạo có giá thành cao, không ổn định, cần nguồn dự phòng. Chỉ còn nhiệt điện than có giá hợp lý và dự kiến chiếm trên 50% tổng sản lượng hệ thống đến năm 2030. Như vậy, ôtô điện tại Việt Nam sẽ sử dụng nguồn năng lượng chủ yếu từ nhiệt điện và đòi hỏi phương án nguồn điện để giữ được ý nghĩa thân thiện với môi trường của dòng xe này.
Phương Nhung - Nguyễn Hải/nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/oto-dien-dang-chay-da-20210724200952512.htm