Đó là kỳ vọng của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ô tô. Thậm chí, họ còn tin tưởng rằng có thể đạt được tỷ lệ này mà không cần nhận bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của chính phủ.
Xe điện được kỳ vọng sẽ hoàn toàn thay thế xe động cơ đốt trong (Ảnh: Reuters).
Theo một khảo sát của công ty kế toán và tư vấn danh tiếng thế giới KPMG, lãnh đạo các doanh nghiệp ô tô kỳ vọng xe điện sẽ chiếm hơn một nửa doanh số xe mới tại Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030. Khảo sát này được thực hiện với 1.000 lãnh đạo các công ty ô tô.
Theo đó, xe động cơ đốt trong, trong đó có xe hybrid, được cho là sẽ vẫn thống lĩnh thị trường trong vài năm tới.
Tốc độ các nhà sản xuất ô tô loại bỏ động cơ đốt trong và khí thải CO2 ra môi trường là vấn đề then chốt của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Tháng trước, một nhóm các nhà sản xuất ô tô và các quốc gia đã ký một tuyên bố kêu gọi loại bỏ dần xe động cơ đốt trong trên toàn cầu vào năm 2040; riêng với các quốc gia giàu có hơn sẽ là vào năm 2035.
Tuy nhiên, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về doanh số là Volkswagen và Toyota, cùng với ba thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Mỹ và Đức đã không tham gia ký thỏa thuận trên.
Khảo sát của KPMG cho thấy lãnh đạo các doanh nghiệp ô tô tin rằng xe điện sẽ chiếm 52% doanh số xe mới tại Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản vào năm 2030. Tỷ lệ ở Tây Âu, Brazil và Ấn Độ sẽ thấp hơn. Nhưng đằng sau kết quả tổng hợp đó, lãnh đạo các doanh nghiệp ô tô cũng có nhiều quan điểm rất khác nhau.
Đối với Trung Quốc, một số lãnh đạo công ty ô tô kỳ vọng vào năm 2030 doanh số xe điện sẽ chiếm chưa đến 20% thị trường, trong khi những người khác tin rằng vào thời điểm đó, xe điện có thể chiếm tới 80% thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.
Cho đến nay, tiêu thụ xe điện trên toàn thế giới được hậu thuẫn bởi các khoản trợ cấp của chính phủ. Nhưng 77% số người tham gia cuộc khảo sát của KPMG cho rằng xe điện có thể trở nên phổ biến rộng rãi trong vòng 10 năm mà không cần sự hỗ trợ của chính phủ, vì chi phí pin sẽ giảm xuống ngang bằng với động cơ xăng, dầu. Tuy nhiên, 91% lãnh đạo doanh nghiệp ô tô tham gia khảo sát khẳng định rằng họ ủng hộ chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 75% lãnh đạo doanh nghiệp ô tô kỳ vọng trong những năm tới công ty mình sẽ thanh lý những tài sản "không phải cốt lõi" khi tiến hành đánh giá lại xem những ngành nghề kinh doanh nào sẽ khả thi khi ngày càng nhiều xe mới chuyển sang dùng công nghệ pin - điện.
Ông Gary Silberg, lãnh đạo toàn cầu về lĩnh vực ô tô của KPMG cho biết: "Sẽ có rất nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập".
Bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tình hình dịch bệnh trong năm qua, khoảng 53% lãnh đạo các doanh nghiệp ô tô tham gia khảo sát cho biết họ tin rằng ngành công nghiệp này có thể đạt được mức tăng trưởng có lãi trong vòng 5 năm tới.
Lãnh đạo doanh nghiệp ô tô ở Trung Quốc và Mỹ là lạc quan nhất, còn ở Pháp là bi quan nhất.
Phạm Trung Đức/dantri.com.vn