Kinh nghiệm vượt an toàn trên đường cao tốc, tránh tai nạn dồn toa

Thứ 3, 20.02.2024 | 14:35:11
623 lượt xem

Khi lái xe trên đường cao tốc, không ít người cho rằng chỉ cần là đoạn đường có vạch đứt, xe trước vượt được thì mình cũng có thể vượt. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Đúng như tên gọi, đường cao tốc là nơi các xe di chuyển với tốc độ cao, nên chỉ một bất cẩn, một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, như vụ tai nạn xảy ra hôm 18/2 trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua địa phận huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, khiến 3 người tử vong và nhiều xe hư hỏng.

Kinh nghiệm vượt an toàn trên đường cao tốc, tránh tai nạn dồn toa - 1

Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn liên hoàn xảy ra hôm 18/2 trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 18/2, khi tài xế xe con vượt ẩu, dẫn tới va chạm với xe container (Ảnh: OFFB).

Sự việc một lần nữa cho thấy mức độ nguy hiểm của việc vượt ẩu trên đường cao tốc, nơi mà chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể dẫn tới tai nạn dồn toa, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vậy các tài xế cần lưu ý gì để có thể vượt an toàn trên đường cao tốc?

Không vượt nối đuôi, giữ khoảng cách an toàn

Xe phía trước vượt an toàn không có nghĩa là xe phía sau cũng có thể "tranh thủ" tăng tốc bám đuôi để vượt theo, đặc biệt là trên đường không có dải phân cách cứng với làn ngược chiều.

Lý do là khi các phương tiện đều di chuyển với tốc độ cao, nếu xe phía trước gặp sự cố bất ngờ phanh gấp, tầm quan sát bị hạn chế, thì việc vượt nối đuôi dễ khiến xe phía sau không phanh kịp, dẫn đến tai nạn dồn toa hoặc đâm đấu đầu xe chạy theo hướng ngược lại.

Việc vượt nối đuôi nhau trên đường cao tốc cũng chính là không tuân thủ khoảng cách an toàn. 

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông cụ thể như sau (trong điều kiện đường khô ráo):

Kinh nghiệm vượt an toàn trên đường cao tốc, tránh tai nạn dồn toa - 2

Tuy nhiên, khi lái xe trên đường, không dễ ước lượng khoảng cách bằng đơn vị mét, nên các tài xế thường áp dụng quy tắc 3 giây để tính khoảng cách an toàn khi lái xe trên đường cao tốc.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường… 

Bản chất của quy tắc 3 giây là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm.

Để xác định cự ly "3 giây", bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm "cột mốc"; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe ngay trước bạn vượt qua "cột mốc", bạn hãy đếm 1... 2... 3… theo nhịp đúng 3 giây.

Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng "cột mốc" thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới "cột mốc", thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, trời khô ráo, tầm nhìn thoáng... Trong điều kiện trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế thì phải tăng lên thành 6 giây, tức giữ khoảng cách với xe phía trước gấp đôi so với thông thường. 

Không vượt nhiều xe cùng lúc

Việc vượt nhiều xe cùng lúc, đặc biệt là xe siêu trường, siêu trọng cũng nguy hiểm như việc vượt nối đuôi, vì việc này dễ khiến bạn bị khuất tầm quan sát phía trước, chỉ trừ trường hợp các xe này di chuyển chậm thành đoàn ở làn ngoài cùng bên phải.

Ngoài ra, việc vượt nhiều xe cùng lúc sẽ khiến bạn khó kiểm soát tốc độ, khó xử lý tình huống.

Không nóng vội khi nhập làn, chuyển làn 

Khi chưa đạt tốc độ đủ để vượt xe ở làn bên cạnh, chưa đủ khoảng trống an toàn phía trước, tín hiệu xin vượt chưa được tài xế xe chạy ở làn bên cạnh tiếp nhận... mà tài xế vẫn cố tình cho xe tạt sang thì rất dễ dẫn tới va chạm.

Nếu ở làn bên trái là xe siêu trường, siêu trọng, đừng cố lách để vượt lên nhập làn. Trong trường hợp tài xế các xe này đi chậm lại, tạo khoảng cách, có ý nhường đường, và phía trước có đủ khoảng trống an toàn, hãy phát tín hiệu cho thấy xe bạn chuẩn bị nhập làn, bằng đèn báo rẽ.

Tuyệt đối không vượt ngay khi vừa ra tín hiệu, khiến tài xế các xe khác chưa chuẩn bị kịp để nhường đường. Khi đã đủ điều kiện an toàn, hãy vượt dứt khoát, tránh tình trạng đi song song với xe phía trước quá lâu.

Sau khi đã vượt và/hoặc chuyển làn, không nên lập tức chuyển làn tiếp, mà cần duy trì đi thẳng, cho đến khi có đủ điều kiện an toàn mới chuyển làn hoặc vượt tiếp xe khác.

Trước khi chuyển làn, bạn cần nhìn thấy toàn bộ phần đầu xe phía sau trong gương chiếu hậu, để tránh tình trạng đầu xuôi mà đuôi không lọt.

Chú ý quan sát biển báo

Vượt phải ở trước lối ra đường cao tốc hoặc điểm chuẩn bị có sự thay đổi làn đường, vượt ở khúc cua, vượt khi đang lên dốc... đều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao, vì đó là khi các xe thay đổi tốc độ và/hoặc chuyển hướng.

Do đó, cần quan sát kỹ biển báo để tránh vượt ở các vị trí này, tránh rơi vào tình trạng bị khuất tầm quan sát, dễ gây va chạm.

Không vượt khi xe phía trước đã đạt tốc độ tối đa cho phép

Nếu xe bạn đang chạy với tốc độ gần chạm ngưỡng tối đa cho phép thì việc cố vượt xe phía trước sẽ khiến xe bạn chạy quá tốc độ cho phép, vừa vi phạm luật giao thông, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/kinh-nghiem-vuot-an-toan-tren-duong-cao-toc-tranh-tai-nan-don-toa-20240219135818923.htm

  • Từ khóa