Các mẫu ô tô Trung Quốc được phân phối tại Việt Nam không còn cạnh tranh bằng yếu tố giá rẻ, thậm chí nhiều mẫu có giá cao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm liên tục giảm giá mạnh sau một thời gian ngắn.
Ngoài sự "đổ bộ" của xe năng lượng mới, thị trường ô tô Việt Nam trong 2 năm gần đây liên tục chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc. Khác với trước, những sản phẩm đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới được phân phối chính hãng.
Xe Trung Quốc về Việt Nam đã không còn rẻ
Nhờ phân phối chính hãng, khâu bảo hành, bảo dưỡng và hậu mãi của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam đã đầy đủ hơn. Tuy nhiên, yếu tố này vẫn chưa thể thuyết phục khách hàng xuống tiền, bởi giờ đây xe Trung Quốc không còn rẻ như trước, nhiều sản phẩm có giá ngang đối thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Ô tô Trung Quốc về Việt Nam đã không còn rẻ, hay chính xác là các sản phẩm được đưa về có phần cao cấp hơn trước đây. Trong đó, một số thương hiệu "né" các phân khúc "hot" ví dụ như SUV cỡ B và C, chọn cách tấn công vào thị trường "ngách" ít có sự cạnh tranh như MPV cỡ trung, minivan…
Lynk & Co định vị thương hiệu cao cấp hơn một chút so với xe phổ thông, đa phần các sản phẩm đều sử dụng chung khung gầm của Volvo nên khó rẻ. Mẫu 09 có giá lên tới 2,199 tỷ đồng, dù cùng cỡ với Hyundai Palisade (cao nhất 1,589 tỷ đồng) (Ảnh: Hoàng Thọ).
Nhiều mẫu xe Trung Quốc nhanh chóng giảm giá mạnh sau khi ra mắt
Lúc ra mắt, các mẫu xe Trung Quốc này thường tạo nên nhiều tranh luận xoay quanh giá bán. Điều này thành công thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng, nhưng khi sự tò mò của khách hàng dần qua đi, những sản phẩm này lại gặp khó trong việc thuyết phục khách Việt.
Yếu tố thương hiệu và giá cao khiến xe Trung Quốc khó cạnh tranh tại Việt Nam, nhưng dường như các hãng xe này đã chuẩn bị kỹ lưỡng một kịch bản, đó chính là giảm giá mạnh. Nhiều dòng xe vừa ra mắt 1-2 tháng đã liên tục giảm giá sâu tại đại lý, khiến khách hàng một lần nữa phải "bất ngờ".
GAC M8 mới ra mắt Việt Nam vào tháng 8/2024, nằm ở phân khúc minivan cỡ lớn với Kia Carnival và Volkswagen Viloran nhưng có giá bán không rẻ, dao động 1,699-2,199 tỷ đồng (Ảnh: C! Magazine).
Ví dụ điển hình có thể kể đến Haval H6 HEV. Mẫu xe này nằm ở phân khúc C-SUV, cạnh tranh trực tiếp với Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson, có giá bán lên tới 1,096 tỷ đồng ở thời điểm mới ra mắt (tháng 8/2023), do chỉ có tùy chọn động cơ hybrid.
Mức giá trên gần bằng bản tiêu chuẩn của một mẫu SUV hạng D "ăn khách" như Ford Everest (từ 1,099 tỷ đồng), trong khi đó CX-5 có giá chỉ từ 749 triệu đồng. Áp lực cạnh tranh khiến H6 nhanh chóng có khuyến mại sâu tại đại lý, giảm tới gần 250 triệu đồng chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt.
Haval H6 HEV được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ở tháng 10/2023, Haval H6 HEV có giá bán thực tế tại đại lý chỉ 852 triệu đồng. Tuy nhiên, phản ứng của người dùng vẫn tương đối "thờ ơ".
Sang tháng 1/2024, nhà phân phối điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của Haval H6, giảm 110 triệu đồng từ 1,096 tỷ xuống còn 986 triệu đồng. Nhưng tại nhiều showroom, mẫu xe này vẫn được giảm thêm khoảng 140 triệu đồng, giá bán thực tế dao động 840-850 triệu đồng.
Trong nhiều tháng gần đây, Haval H6 HEV liên tục được giảm giá xuống 850 triệu đồng tại đại lý, nhưng vẫn khó cạnh tranh với đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Một trường hợp khác đáng nhắc đến là 2 mẫu MPV đến từ Haima. Thương hiệu này quay trở lại Việt Nam vào cuối năm 2023 với mẫu 7X nằm ở phân khúc MPV cỡ trung; 7X-E là phiên bản thuần điện, không có đối thủ trực tiếp tại Việt Nam.
Giá bán của 2 mẫu xe này cũng tạo nhiều tranh cãi khi được công bố chính thức. Trong đó, Haima 7X chỉ có 1 phiên bản cùng giá niêm yết 865 triệu đồng, ngang Innova Cross (810-990 triệu đồng) và Hyundai Custin (820-974 triệu đồng); 7X-E có giá dao động 1,111-1,23 tỷ đồng.
Haima 7X được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Quang).
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi được ra mắt, Haima 7X đã được ưu đãi tới 150 triệu đồng. Những tháng sau đó, mẫu 7X-E cũng bước vào danh sách khuyến mại, thường xuyên giảm giá 130 triệu đồng.
Cuối tháng 7, giá bán thực tế của Haima 7X chạm "đáy" mới tại nhiều showroom, giảm 140 triệu đồng xuống 725 triệu đồng. Mức giá này đã thấp hơn các đối thủ cùng cỡ, tiệm cận MPV cỡ nhỏ như Honda BR-V (705 triệu đồng).
Haima 7X-E sau khi được đại lý giảm giá vẫn lên tới 1,1 tỷ đồng ở bản cao nhất. Giá cao và khuyết thiếu hệ thống trạm sạc công cộng khiến sản phẩm này còn khó bắt gặp trên đường phố hơn cả siêu xe (Ảnh: Gia An).
Không chỉ có những mẫu xe Trung Quốc sở hữu giá cao mới cần giảm sâu, một số sản phẩm giá rẻ cũng chạy đua ưu đãi, trong bối cảnh khó cạnh tranh. Ví dụ như Wuling Mini EV, ra mắt giữa năm 2023, là ô tô rẻ nhất Việt Nam (239-279 triệu đồng) nhưng vẫn chưa trở thành lựa chọn của số đông.
Nhiều khách hàng có ý kiến cho rằng giá bán của mẫu xe điện cỡ nhỏ này vẫn đắt, do trang bị của xe có phần "sơ sài" (bản tiêu chuẩn không có túi khí). Nửa năm sau khi ra mắt, Wuling Mini EV dần có ưu đãi giảm giá 20 triệu đồng tại đại lý, và nâng dần lên 40 triệu đồng ở năm nay.
Wuling Mini EV được lắp ráp tại Việt Nam, có doanh số tốt trên thế giới nhưng vẫn gặp khó trên mảnh đất hình chữ S (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Đầu tháng 8/2024, TMT Motors điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của Wuling Mini EV, giảm 48-58 triệu đồng ở 2 phiên bản LV2 - 120km và LV2 - 170km (2 biến thể LV1 đã hết hàng tại nhiều nơi). Sau khi giảm, giá bán mới của mẫu xe này chỉ dao động trong khoảng 197-231 triệu đồng.
Giới chuyên gia nhận định, việc hãng điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của Wuling Mini EV có thể do gặp áp lực từ VinFast VF 3. Mẫu mini SUV điện đến từ hãng xe Việt đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng, với hơn 30.000 đơn đặt hàng.
Trên thị trường ô tô đã qua sử dụng, Wuling Mini EV đi gần 10.000km có giá sang nhượng dao động khoảng 190-200 triệu đồng (bản cao nhất). Tức có nghĩa, người dùng mua xe đợt đầu đã "lỗ" tới 1/3 giá xe sau 1 năm sử dụng (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Ngoài những cái tên kể trên, nhiều mẫu xe Trung Quốc thường xuyên có khuyến mại giảm giá tại đại lý có thể kể đến: MG RX5, New MG5 MT…
Khách không dám xuống tiền vì lo xe Trung Quốc giảm giá
Những trường hợp trên khiến nhiều người dùng e ngại tiếp cận với xe Trung Quốc, lo mất giá mạnh sau một thời gian sử dụng. Số ít quan tâm, sẵn sàng trải nghiệm thì lại chần chừ, chờ giá tốt, ví dụ như anh Ngọc Long (Hà Nội).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, người dùng này cho hay: "Đợt rồi BYD ra mắt 3 mẫu xe điện, mình cũng khá quan tâm tới dòng Dolphin. Tuy nhiên, giá xe hiện tại với mình vẫn là khá cao (659 triệu đồng), một thời gian nữa mà giảm xuống 550 triệu đồng thì có thể gia đình sẽ cân nhắc.
Đợt rồi mình có thấy thương hiệu này gặp lùm xùm quanh việc hạ giá liên tục tại Thái Lan. Nên giờ có tiền thì mình cũng không mua xe luôn, chờ một thời gian nữa xem thế nào".
Về trường hợp của BYD, hãng xe này liên tục gặp khiếu nại tại Thái Lan trong thời gian gần đây, do giảm giá quá nhiều. Việc hạ giá liên tục trong thời gian ngắn khiến người dùng cảm thấy như bị lừa, tưởng chừng đã bắt "đáy" của hôm qua nhưng lại là "đỉnh" của hôm nay.
Giữa tháng 7, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại Thái Lan đã nhận được khoảng 70 đơn khiếu nại về tình trạng giảm giá của xe BYD tại đại lý, khiến chính quyền quốc gia này phải bắt tay vào điều tra (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Theo báo giới Thái Lan, các tư vấn bán hàng giục khách mua xe để hưởng khuyến mại, kết thúc ưu đãi sẽ tăng giá. Tuy nhiên sau đó, đại lý tiếp tục giảm giá xe sâu hơn, khiến người dùng bức xúc.
Một chủ xe tại Thái Lan chia sẻ trên mạng xã hội facebook, anh này đã mua một chiếc BYD Atto 3 với giá 1,19 triệu baht (quy đổi khoảng 832 triệu đồng). Nhưng giờ đây, giá bán của mẫu xe này tại đại lý đã hạ xuống 859.000 baht (khoảng 600 triệu đồng).
Nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, một số đại lý BYD tại Việt Nam đang áp dụng chương trình mua xe, miễn phí sạc tại showroom đến hết năm nay (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Cập nhật đầu tháng 7 trên trang web của Rever Automotive, đơn vị phân phối độc quyền xe BYD tại Thái Lan cho thấy, nhiều mẫu xe được giảm giá tới 340.000 baht (gần 240 triệu đồng) nhân dịp hãng khánh thành nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á.
Điều này gây thiệt thòi cho những người dùng, do giá bán lại của xe sẽ tụt theo giá niêm yết mới. Đây cũng là yếu tố khiến nhiều người dùng Việt cảm thấy lo ngại, do ô tô vẫn là một tài sản không nhỏ với phần đông các gia đình.
Số đông khách hàng vẫn có xu thế quan tâm tới các sản phẩm có khả năng giữ giá tốt, tính thanh khoản cao. Vấn đề này với các mẫu xe Trung Quốc sẽ khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, cần có thời gian dài "thẩm thấu", cải thiện hình ảnh trong mắt người Việt.
Theo dantri.com.vn