Với ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua xe phổ thông có thể tiết kiệm được một khoản tương đương lệ phí đăng ký biển số, còn với xe sang thì con số này có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
Sau nhiều tháng chờ đợi, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 109, hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Khác với những đợt giảm trước, lần này thời hạn áp dụng của Nghị định chỉ kéo dài trong 3 tháng, từ 1/9 đến hết ngày 30/11.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng rất hân hoan với chính sách này. Tùy mẫu xe, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ hàng chục cho tới cả trăm triệu đồng.
Đây là lần thứ 4 Chính phủ giảm trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Lấy ví dụ, người dùng mua Hyundai Accent 2024 bản cao nhất, có giá bán lẻ đề xuất là 569 triệu đồng. Khi đăng ký tại Hà Nội, mức lệ phí trước bạ lần đầu sẽ là 12% nhưng nhờ Nghị định 109, khách hàng chỉ cần đóng 6%, tiết kiệm được: 6% x 569 = 34 triệu đồng.
Đây là con số không nhỏ với người dùng phổ thông, đủ để chi trả lệ phí đăng ký biển số (20 triệu đồng với ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
Trong khi đó, nếu mua Honda CR-V L AWD có giá 1,31 tỷ đồng. Mức giảm 50% lệ phí trước bạ giúp người dùng tiết kiệm được tới 78 triệu đồng nếu đăng ký tại Hà Nội, và 65,5 triệu đồng nếu làm thủ tục tại TPHCM hoặc các tỉnh có mức thu lệ phí trước bạ là 10% (chưa giảm theo chính sách).
Mercedes-Benz GLC đang được lắp ráp trong nước, thuộc diện giảm trước bạ theo Nghị định 109. Nếu đăng ký biến thể GLC 300 4Matic có giá niêm yết 2,799 tỷ đồng tại Hà Nội, người dùng sẽ tiết kiệm được gần 168 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Trong bối cảnh thị trường còn gặp tác động của suy thoái kinh tế, nhiều hãng xe và đại lý tích cực tung khuyến mại lớn trong nhiều tháng gần đây. Việc Chính phủ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe nội địa có thể giúp người dùng hưởng ưu đãi kép, nếu "bắt đáy" tốt.
"Lúc trước nghe đồn là lệ phí trước bạ cho xe nội địa sẽ được giảm từ 1/7, mình mua một chiếc Mitsubishi Outlander (bản CVT, giá 825 triệu đồng) hồi tháng 6, được đại lý giảm khoảng 100 triệu đồng, nhưng không đăng ký ngay.
Gần 3 tháng chờ đợi, mua xe mà không dám dùng, cứ phải cất nhà nhưng cuối cùng thì Nhà nước cũng giảm trước bạ. Như vậy, mình tiết kiệm được thêm 50 triệu đồng nữa.
Nếu trừ vào giá xe thì coi như giảm tổng cộng 150 triệu đồng còn 675 triệu đồng, SUV Nhật cỡ C giá hạng B, thực sự rất xứng đáng với nỗ lực chờ đợi", anh Lê Đức (Hà Nội) hào hứng chia sẻ với phóng viên báo Dân trí.
Trong bối cảnh người dùng không dám xuống tiền để chờ giảm trước bạ, nhiều đại lý vẫn chấp nhận cho khách cọc trước để giữ ưu đãi, tạm chưa thanh toán và xuất hóa đơn để chờ thông tin (Ảnh: Đại lý Mitsubishi).
Ở những lần giảm lệ phí trước bạ trong quá khứ, các hãng xe và đại lý thường cắt khuyến mại sau khi Chính phủ ban hành chính sách giảm. Nhiều người dùng đều lựa chọn mua xe trước khi có thông tin chính thức, nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì như anh Lê Đức.
Anh Thành Đạt (Hà Nội) chia sẻ: "Do gia đình có nhu cầu, nên mình có mua một chiếc Hyundai Creta hồi tháng 5, bản cao nhất, giá 699 triệu đồng. Lúc đó, xe được đại lý giảm trực tiếp khoảng 40 triệu đồng nhưng nghe thông tin có thể giảm lệ phí trước bạ, gia đình mình quyết định chờ.
Ai ngờ một lần chờ này lại kéo dài mấy tháng, đến đầu tháng 8 vẫn không thấy có thông tin gì nên mình đành phải đi đăng ký. Do gia đình có cháu nhỏ, mỗi lần về quê mà đi xe khách thì khá bất tiện.
Giờ đây, Nhà nước giảm trước bạ, nhiều người hân hoan mang xe đi đăng ký còn mình thì thực sự rất tiếc. Nếu kiên trì chờ đợi, mình có thể tiết kiệm được thêm khoảng 40 triệu đồng".
Việc giảm lệ phí trước bạ cho xe nội địa kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức tiêu thụ của thị trường tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước, khoảng 5.200 tỷ đồng trong 3 tháng, theo ước tính của Bộ Tài chính.
Theo dantri.com.vn