Trung Quốc và các quan chức EU đã nỗ lực đàm phán về vấn đề thuế đối với ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc, nhưng không đạt được giải pháp nào.
Đáp lại việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp thuế cao hơn đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc, nước này đã chính thức đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu cơ quan này xem xét lại vấn đề.
Đây là lần thứ hai Bắc Kinh đệ đơn kiện lên WTO về các biện pháp chống trợ cấp từ phía EU. Lần trước là vào tháng 8, khi EU công bố sẽ bổ sung thuế nhập khẩu đối với ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc.
Trung Quốc đang kêu gọi các nhà sản xuất ô tô dừng đầu tư vào các nước EU ủng hộ tăng thuế (Ảnh minh họa: Carscoops).
Từ tháng trước, EU bắt đầu triển khai mức thuế bổ sung từ 17,4% đến 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc (tùy hãng), bên cạnh mức thuế 10% đang áp dụng. Chính sách này sẽ được áp dụng trong 5 năm. Lý lẽ của EU là Bắc Kinh "hỗ trợ không công bằng" cho các nhà sản xuất ô tô điện trong nước.
Tuy nhiên, trong đơn kiện, Trung Quốc lập luận rằng cáo buộc của EU thiếu cơ sở thực tế và pháp lý, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, là hành động bảo hộ dưới danh nghĩa cạnh tranh công bằng, lạm dụng các biện pháp đáp trả thương mại.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng họ đã khiếu nại lên WTO "để bảo vệ quyền phát triển và lợi ích của ngành công nghiệp xe điện và hợp tác trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu".
Trong thông báo gửi hãng tin Bloomberg, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đang kêu gọi EU đối diện và ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai lầm của mình và cùng nhau duy trì sự ổn định của hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU cũng như chuỗi cung ứng và công nghiệp xe điện.
Trong mấy tháng qua, kể từ khi các mức thuế mới được chính thức công bố vào tháng 6, giới chức của cả Trung Quốc và EU đã nỗ lực đàm phán để đi đến một giải pháp làm hài lòng cả hai bên. Tuy nhiên, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung trước khi bắt đầu áp dụng thuế mới vào ngày 31/10.
Theo đó, SAIC bị áp thuế suất cao nhất trong các hãng Trung Quốc - 35,3%, trong khi Geely bị áp thuế 18,8%, và BYD phải chịu thêm mức thuế 17%. Đây là mức thuế cộng thêm vào thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% của EU.
Những công ty nước ngoài sản xuất xe tại Trung Quốc, như Volkswagen và BMW chịu thuế suất 20,7%, còn Tesla chịu thêm thuế 7,8%.
Ông Marcos Sefcovic, ủy viên thương mại tiếp theo của EU, được cho là sẽ tới Trung Quốc vào tuần này, cho thấy EU chưa hoàn toàn loại bỏ hy vọng đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào gần đây đã gặp các quan chức đến từ Pháp và giục họ hối thúc EU tìm giải pháp, theo hãng tin Reuters.
Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô trong nước dừng kế hoạch đầu tư vào các nước EU đã ủng hộ việc áp thuế cao hơn đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời khuyến khích chỉ đầu tư vào những nước phản đối áp thêm thuế. Đức là một trong 5 nước thành viên EU phản đối tăng thuế.
Theo dantri.com.vn