Ngày 5/9, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu với tuyển Nga ở giải giao hữu quốc tế diễn ra tại Mỹ Đình. Tuy nhiên, đó có thể không phải đội tuyển Nga mạnh mẽ như thường thấy.
Ngay khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2 năm 2022, UEFA và FIFA đã quyết định cấm bóng đá Nga tham gia mọi hoạt động của châu Âu cũng như thế giới. Đội tuyển quốc gia Nga bị loại khỏi vòng loại World Cup 2022, không được tham dự vòng loại Euro 2024. Ngay cả các đội tuyển trẻ, đội tuyển nữ và câu lạc bộ (CLB) của bóng đá Nga cũng bị cấm.
Đội tuyển Nga bị cấm thi đấu tại các giải đấu của châu Âu, thế giới (Ảnh: Getty).
Khó khăn chồng chất
Khi UEFA đưa ra lệnh cấm với bóng đá Nga, CLB Spartak Moscow mất luôn suất thi đấu tại Europa League, điều đó khiến đội bóng này tổn thất cả triệu euro bao gồm tiền thưởng, tiền bán vé cũng như bản quyền truyền hình. Việc không được thi đấu ở các giải đấu ở châu Âu liên tiếp qua các năm chắc chắn sẽ khiến các CLB Nga bị ảnh hưởng mạnh về tài chính.
"Quyết định loại đội của chúng tôi khỏi Europa League thật đáng buồn. Chúng tôi tin rằng thể thao, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, nên hướng đến mục tiêu xây dựng những cây cầu, chứ không phải đốt cháy chúng. Chúng tôi sẽ tập trung vào các giải đấu trong nước và hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được hòa bình mà mọi người đều cần", Spartak Moscow đưa ra thông báo sau khi nhận lệnh cấm.
Dẫu vậy, hi vọng trở lại sớm của Spartak chưa thành công, bởi hiện tại UEFA chưa dỡ bỏ lệnh cấm, trong khi Liên đoàn bóng đá Nga cũng đã kiện lên Tòa án thể thao (CAS) nhưng chưa giải quyết được vấn đề.
Các câu lạc bộ của Nga hiện tại chỉ có thể thi đấu các giải trong nước (Ảnh: Getty).
Ngoài việc ảnh hưởng tài chính, lệnh cấm thi đấu ở các sân chơi lớn cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng đá Nga. Trong hai năm qua, các đội bóng của Nga chỉ thi đấu trong nước, điều đó khiến các câu lạc bộ gặp khó trong việc chiêu mộ hay giữ chân các cầu thủ nước ngoài - một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bóng đá trong nước. Chất lượng các giải đấu giảm sút, đương nhiên sự phát triển của bóng đá Nga cũng giảm theo.
Đối với đội tuyển quốc gia Nga, lệnh cấm khiến họ không được tham dự các giải đấu lớn, đội tuyển Nga duy trì cảm giác chơi bóng quốc tế bằng những trận đấu giao hữu.
Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, đội tuyển Nga đã phải thi đấu giao hữu với các đội tuyển như Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Iran, Iraq, Qatar (châu Á), Ai Cập, Cameroon, Kenya (châu Phi), Cuba (châu Mỹ), Serbia, Belarus (châu Âu). Tuy nhiên, dễ dàng thấy rằng đa phần các đội bóng thi đấu giao hữu với Nga trong 2 năm qua đều không nằm ở cùng đẳng cấp với họ, điều đó khiến khả năng duy trì hay phát triển sức mạnh của tuyển Nga thông qua các trận giao hữu là không nhiều.
Trước lệnh cấm tuyệt đối của UEFA, Liên đoàn bóng đá Nga (RFU) đã có ý định rời bỏ UEFA để gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Trong cuộc họp cuối năm 2023, RFU đã tổ chức cuộc bỏ phiếu để đi đến quyết định chọn AFC hay UEFA. Dẫu vậy sau khi cân nhắc các khía cạnh, cuối cùng RFU chấp nhận tiếp tục ở lại UEFA, chấp nhận tiếp tục bị cấm.
Thật ra RFU quyết định ở lại UEFA không quá khó hiểu, xét về mặt bóng đá đối với Nga, một sự chuyển đổi như vậy sẽ không có nhiều ý nghĩa. Phần lớn nước Nga nằm ở lục địa châu Á, nhưng hầu hết các câu lạc bộ bóng đá đều nằm ở phía châu Âu của dãy núi Ural. Theo quan điểm hoài nghi, việc chuyển sang AFC có nghĩa là từ bỏ các giải đấu béo bở như Euro và các giải đấu câu lạc bộ UEFA để chuyển sang các phiên bản AFC, nơi cung cấp ít sự cạnh tranh và ít tiền hơn.
Đội tuyển Nga thi đấu giao hữu với Serbia vào tháng 3 năm nay (Ảnh: Getty).
Những tín hiệu lạc quan
Đến thời điểm hiện tại, chưa rõ khi nào FIFA và UEFA dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm đối với bóng đá Nga. Tuy nhiên, việc nới lỏng đang được bắt đầu được thực hiện vào đầu năm nay khi UEFA cho phép các đội U17 của Nga tham dự các giải trẻ châu Âu trong tương lai. FIFA cũng đồng quan điểm khi cho rằng nếu các đội U17 Nga vượt qua vòng loại ở châu lục, họ sẽ được phép tham dự các giải đấu thế giới.
UEFA cũng đang nới lỏng việc bóng đá Nga từ đội tuyển đến CLB được phép thi đấu giao hữu với các CLB ở châu Âu. Tất nhiên điều này cũng không giúp nhiều cho bóng đá Nga, bởi với lịch thi đấu dày đặc từ câu lạc bộ tới đội tuyển quốc gia, sẽ không dễ để các đội bóng Nga liên tục được thi đấu cọ xát với những đội bóng mạnh. Tuy nhiên, dẫu sao việc nới lỏng các lệnh cấm cũng là những tín hiệu tích cực cho bóng đá Nga trong con đường tìm kiếm việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-thao/bong-da-nga-sa-sut-sau-lenh-cam-cua-fifa-uefa-20240822004427006.htm