Trả lời bạn xem truyền hình ngày 10/3/2020

Thứ 3, 10.03.2020 | 15:10:11
1,146 lượt xem

Câu 1. Bà Trần Thị Mai trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Những quy định mới của pháp luật về chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân như thế nào?

Trả lời: 

 Ngày 10/02/2020, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân, thay thế Thông tư số 07/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018. Quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (gọi chung là cơ sở giam giữ phạm nhân) trong Công an nhân dân, được áp dụng đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ phạm nhân; người đã có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án đang ở trong trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 1. Về đối tượng được gặp phạm nhân gồm:

 - Thân nhân được gặp phạm nhân: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.

 Các trường hợp này mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.

 - Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm.

Phạm nhân thăm gặp thân nhân qua điện thoại liên lạc nội bộ.

 2. Thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác

 Thân nhân đến gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân) hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập và phải có một trong những giấy tờ cá nhân sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang. Đối với phạm nhân là người nước ngoài, thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

 Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác khi đến gặp phạm nhân phải có đề nghị bằng văn bản (đối với cá nhân, văn bản đề nghị phải được cơ quan nơi đang làm việc, học tập hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận) và phải có một trong những giấy tờ cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều này.

 Trường hợp người đến gặp phạm nhân không có giấy tờ cá nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

 Phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng phải có đủ thủ tục và các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp xã thể hiện thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân; đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của thân nhân phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân và các quy định pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành; phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

 Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được kéo dài thời gian gặp thân nhân ở phòng riêng không quá 24 giờ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này phải có đơn xin gặp thân nhân ở phòng riêng, cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân; thân nhân phạm nhân cũng phải có đơn xin gặp phạm nhân ở phòng riêng, cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân phát hành Sổ gặp phạm nhân và gửi tiền lưu ký theo mẫu thống nhất của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Sổ gặp phạm nhân phải được Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân ký, đóng dấu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận danh sách những người là thân nhân của phạm nhân.

 3. Đối với việc phạm nhân nhận quà:

 Khi gặp những người được phép thăm gặp như trên, phạm nhân được nhận quà theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nhưng tối đa không quá 05 kg đồ vật trong một lần gặp. Ngoài ra, mỗi tháng phạm nhân được nhận tiền, đồ vật do thân nhân đưa đến hoặc gửi qua đường bưu chính 02 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, gửi đồ vật mỗi lần không quá 03 kg, nếu gửi 01 lần thì không quá 06 kg. Trường hợp phạm nhân từ chối nhận quà gửi qua đường bưu chính thì phải lập biên bản về việc phạm nhân không nhận quà. Cơ sở giam giữ phạm nhân chuyển hoàn bưu gửi cho cơ quan bưu chính viễn thông để trả lại cho người gửi, cước phí do người gửi chi trả.

 Bên cạnh đó, phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án hình sự năm 2019; phạm nhân là người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Luật Thi hành án hình sự năm 2019; phạm nhân được khen thưởng bằng hình thức “tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại thêm 01 lần trong tháng và không quá 10 phút.

 Trường hợp cấp bách, căn cứ nội dung đơn trình bày của phạm nhân, quản giáo phụ trách đội có trách nhiệm đề xuất Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại với thân nhân nhưng không quá 10 phút.

Câu 2. Ông Hoàng Văn Trung trú tại xã Đại Đồng huyện Tràng Định hỏi: Quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ hàng hóa, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý như thế nào?

Trả lời:

Hành vi đẩy giá lên cao hay găm hàng khi dịch bệnh đang hoành hành, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

1. Xử lý hành chính

Khoản 1 điều 11 Luật Giá năm 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và phảithực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định. Tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn:Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng.Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Quy định về xử phạt đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt như sau:

"1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý".

Tại Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.Kèm theo đó là hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

2. Về xử lý hình sự

Người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ quy định tại Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Đầu cơ được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính, cụ thể sẽ phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm. Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm./.

  • Từ khóa