Chìa khóa của phát triển bền vững

Chủ nhật, 03.11.2024 | 09:00:49
252 lượt xem

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, đánh giá lại và điều chỉnh các chính sách, đồng thời tăng cường hợp tác đa phương nhằm vượt qua các thách thức và nắm bắt những cơ hội tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Mọi người băng qua đường chính bên ngoài một trung tâm mua sắm vào giờ cao điểm buổi chiều ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: REUTERS)


Theo Báo cáo thương mại và phát triển năm 2024 do UNCTAD công bố, tăng trưởng trung bình hằng năm của các nước đang phát triển đã đạt mức ấn tượng là 6,6% trong giai đoạn 2003-2013, song giảm xuống chỉ còn 4,1% trong giai đoạn 2014-2024. Các chuyên gia của UNCTAD cho rằng, tăng trưởng ở mức này không tạo đủ nguồn lực để các nước đang phát triển thực hiện các nhu cầu đặt ra, cũng như giải quyết những thách thức chồng chéo đang phải đối mặt.

UNCTAD cảnh báo, nợ công của các nước đang phát triển đã tăng tới 70% trong giai đoạn 2010-2023. Nhiều nước bị đẩy vào tình cảnh nan giải khi phải lựa chọn giữa trả nợ hoặc đầu tư vào phát triển, chuyển đổi nền kinh tế. Gánh nặng nợ công cũng khiến nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, kéo theo những hệ lụy với nền kinh tế, gây ra bất ổn xã hội.

Trong khi đó, những tác động từ đại dịch Covid-19, trong đó có sự gián đoạn chuỗi cung ứng, kéo theo lạm phát lại càng khiến các nền kinh tế đang phát triển lao đao. Theo UNCTAD, việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát chỉ mang lại hiệu quả phần nào, song lại cản trở nỗ lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Báo cáo của UNCTAD nhận định, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới… đang định hình lại hoạt động thương mại trên thế giới. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Ngoài ra, UNCTAD cho rằng, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại hàng hóa sẽ dễ tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, việc dựa vào thương mại dịch vụ làm động lực phát triển cũng tiềm ẩn rủi ro, nhất là với các nước đang phát triển vốn chỉ chiếm chưa đến 30% doanh thu xuất khẩu dịch vụ toàn cầu.

Đưa ra những nhận định nêu trên, song UNCTAD cũng chỉ ra những cơ hội để các nước đang phát triển thúc đẩy khả năng phục hồi và tăng trưởng toàn diện. Theo UNCTAD, với việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, như Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN…, các nước đang phát triển có thể tránh được những rủi ro và phát triển nền kinh tế đa dạng, kiên cường hơn. Thực tế cho thấy, thương mại giữa các nước đang phát triển tăng mạnh từ 2.300 tỷ USD năm 2007 lên 5.600 tỷ USD năm 2023. Cơ quan của Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia theo đuổi những hướng phát triển mới, tập trung vào đa dạng hóa nền kinh tế.

UNCTAD chỉ ra rằng, nhu cầu đối với các khoáng sản và nguyên liệu thô, chủ yếu ở châu Phi và khu vực Mỹ Latin, đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, xe điện và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ ngày càng cao. Điều này sẽ mở ra những hướng đi mới để thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, báo cáo của UNCTAD cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho cả các nước phát triển và đang phát triển nhằm góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập, quản lý các công nghệ mới, thực hiện các cam kết về khí hậu, xóa và tái cơ cấu nợ…

Trình bày Báo cáo thương mại và phát triển năm 2024, Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nhận định, nền kinh tế thế giới có thể “hạ cánh mềm”, song đang “hạ cánh nhầm đường băng”. Trước tình cảnh này, bà Rebeca Grynspan cho rằng cần xem xét lại các chiến lược phát triển toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và thúc đẩy các cam kết đối với chủ nghĩa đa phương. Những nỗ lực này sẽ đem lại sự hỗ trợ thiết thực cho các nước đang phát triển. Bà Rebeca Grynspan cũng nhấn mạnh, các quốc gia cần cân nhắc lại các chính sách phát triển, đồng thời chung tay hợp tác vì mục tiêu chung. Đây được xem là “chìa khóa” để bảo đảm một tương lai phát triển bền vững và toàn diện.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chia-khoa-cua-phat-trien-ben-vung-post842671.html

  • Từ khóa