Đến Hội An trải nghiệm may đo thời trang

Thứ 4, 06.11.2024 | 08:46:23
512 lượt xem

Nghề may trang phục ở thành phố Hội An (Quảng Nam) là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời, mang lại thu nhập cho nhân dân địa phương, đồng thời là một nét đẹp văn hóa của phố cổ. Cùng sự phát triển của du lịch, từ khoảng những năm 2000, may “nóng” (lấy nhanh) ở Hội An dần trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế với sự thuận tiện, tính thẩm mỹ cao, gắn với nhiều làng nghề như tơ lụa, thêu...

Áo dài Việt Nam đặt may lấy ngay thu hút khách du lịch khi đến Hội An.

Dạo quanh phố phường ở Hội An, không khó bắt gặp các tiệm may xinh xắn nằm kề bên những ngôi chùa cổ kính, bên bờ sông Hoài thơ mộng. Theo thống kê của ngành văn hóa địa phương, ở Hội An có khoảng 350 cơ sở cung cấp các dịch vụ liên quan may mặc như may đo, bán sẵn, phân phối vải và phụ liệu... Dù là cửa hàng hoành tráng nơi mặt phố, hay quầy nhỏ khiêm nhường trong chợ Hội An, điểm chung của những nhà may này là đều có thể may theo yêu cầu của khách gần như tất cả các mẫu mã theo phong cách xưa hay xu hướng hiện tại. Thêm vào đó là thái độ chu đáo và niềm nở của đội ngũ nhân viên.

Theo chủ tiệm may Chiba Hội An Trần Thị Thúy Bình (34 tuổi, phường Minh An), quy trình may cấp tốc phục vụ du khách thường từ 4-6 tiếng đồng hồ, tùy sản phẩm. Từng công đoạn như tư vấn, cắt vải, may, đính cúc... đều được chuyên môn hóa để bảo đảm nhanh chóng và chất lượng. Khách đến đo rồi thoải mái tiếp tục lịch trình tham quan của mình, còn tiệm sẽ hoàn thiện đúng giờ khách hẹn quay lại hoặc giao hàng tới tận nơi khách nghỉ.

Chị Bình cũng cho biết, khoảng hai năm nay, các clip với từ khóa “may đo trong một ngày ở Hội An”, “đi Hội An trải nghiệm may đầm” của du khách nhận được hàng triệu lượt quan tâm yêu thích trên nhiều nền tảng mạng xã hội, khiến lượng khách tìm đến tăng đều. Dịp cuối tuần hoặc mùa cao điểm du lịch, tiệm có thể đón tới hàng trăm lượt khách mỗi ngày, trong đó khách châu Âu và Mỹ thường chọn may bộ vest, đầm dạ tiệc, còn khách Việt Nam hoặc một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thì thường đặt áo dài, đầm đi biển...

Nghề may hình thành khá sớm ở Hội An, nơi từng là thương cảng sầm uất, là một mắt xích quan trọng của “con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ 16 và 17. Sau đó, vào đầu thế kỷ 20, các nhà may Âu phục bắt đầu xuất hiện. Đến năm 2006, nghề may ở Hội An chứng kiến các dấu mốc quan trọng. Đó là Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam và là lần đầu tiên, nghề may được công nhận là một trong 50 sản phẩm du lịch chính thức của địa phương. Cùng năm, tạp chí danh tiếng Time của Mỹ vinh danh Hội An là một trong những nơi có dịch vụ may đo thời trang nhanh nhất, rẻ nhất thế giới với kiểu dáng đa dạng.

Nghề may có cơ hội phát triển mạnh mẽ về số lượng cơ sở, thu hút nhân lực, đầu tư nâng cao tay nghề và tập trung nắm bắt sở thích mua sắm, thị hiếu du khách. Một số tiệm may ở Hội An từng được chọn may trang phục cho thành viên hoàng gia, chính khách, nghệ sĩ nổi tiếng từ nhiều quốc gia trên thế giới. May cấp tốc để những người lưu trú ngắn kịp lấy đồ, nhưng vẫn bảo đảm chỉn chu, vừa vặn, đó là yếu tố cốt lõi khiến dịch vụ may mặc ở Hội An chinh phục du khách. Thông thường đi du lịch nhiều nơi khác, du khách chỉ có thể mua đồ may sẵn, thì riêng ở Hội An, họ được trải nghiệm quá trình may đo thủ công, cảm giác có được một món trang phục may riêng cho mình ở nơi mình tới là một kỷ niệm đẹp và rất đáng nhớ.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận tác động to lớn của các mạng xã hội như TikTok, Facebook khi liên tục quảng bá tới bạn bè quốc tế dịch vụ may đo hoàn hảo với giá thành hợp lý ở Hội An. Hàng nghìn clip chia sẻ trải nghiệm, phần lớn là hài lòng, đã khiến “tiếng lành đồn xa”, rất nhiều du khách nước ngoài qua đó mà biết đến Hội An và Việt Nam. Để phục vụ khách, các nhà may cũng phải bổ sung mẫu mã liên tục, từ những bộ com-lê quý ông sang trọng cho đến váy áo cầu kỳ, thậm chí đồ bơi, đều được may nhanh chóng trong vài tiếng. Trải nghiệm quá trình may đo còn là lúc khách hàng và những người thợ, phần lớn là phụ nữ Hội An và một số địa phương lân cận, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ kiến thức về thời trang, về nếp sống phố cổ... Nhờ vậy, dù quần áo may sẵn ngày càng phong phú và rẻ thì những cửa tiệm may đo tại phố Hội An vẫn có chỗ đứng riêng trên thị trường.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghề may ở Hội An là một thương hiệu đặc biệt khi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống, “kể” những câu chuyện nhân văn. Nghề may là cốt lõi của một chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp, như: Thợ may, thợ thêu thùa, người trồng dâu nuôi tằm, thợ dệt vải, người bán vải, người giao hàng, hướng dẫn viên...

Nghề may còn là một phần của di sản phố cổ, hằng năm có một ngày lễ hội giỗ Tổ nghề được chính quyền công nhận, tạo điều kiện tôn vinh. Đó là ngày 12 tháng Chạp hằng năm, khi những người làm nghề may ở Hội An trang trọng tổ chức nghi lễ cúng tưởng nhớ và tri ân các tiền nhân đã có công gây dựng và truyền nghề may cho nhiều thế hệ, bên cạnh đó là thi tay nghề, biểu diễn văn nghệ dân gian...

Đồng thời, một lớp nghệ nhân trẻ vừa kế thừa vừa sáng tạo nhiều kiểu cách, sản phẩm mới để giữ nghề. Ở xóm thủ công ra đời năm 2023, hiện hoạt động ở phường Cẩm Nam, dù còn mới mẻ nhưng đã tập trung được gần 10 gian hàng thủ công sáng tạo, trong đó có những bạn trẻ là thế hệ thứ 2, thứ 3 trong các gia đình có truyền thống làm may.

Đi du lịch vừa được trải nghiệm cảnh đẹp, món ngon, lại có dịp trải nghiệm dịch vụ tiện ích và mang sản phẩm về, không khó lý giải tại sao may đo ở Hội An trở thành xu hướng nổi bật thời gian qua. Những chiếc áo dài duyên dáng, những bộ đồ thời trang đẹp mắt từ Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận đã và đang theo chân du khách bốn phương đến những miền đất xa xôi, mang theo đường kim mũi chỉ tài hoa của nghệ nhân Việt và quảng bá cho điểm đến Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/den-hoi-an-trai-nghiem-may-do-thoi-trang-post843310.html

  • Từ khóa