Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện

Thứ 3, 12.11.2024 | 08:49:39
264 lượt xem

Thu hút đầu tư vào ngành điện đang là vấn đề hết sức cấp bách. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính phải gấp rút sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá thể chế, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện.

Để GDP tăng trưởng 1%, điện phải tăng trưởng 1,8-2%

Điện được xem là mạch máu của nền kinh tế và phải phát triển “đi trước một bước”. Bài học về việc thiếu điện cho sản xuất và đời sống năm 2023 ở miền Bắc cho thấy những tác động, thiệt hại rất lớn. Ngân hàng Thế giới ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện miền Bắc vào tháng 5 và 6-2023, khiến sản xuất bị gián đoạn, khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Việc thiếu điện còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải đi trước, tăng trưởng 1,8-2%. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, xây dựng mục tiêu với ngành điện. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt 12-13%.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan, trong giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh.

Có thể thấy, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết bài toán thiếu điện là phát triển nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, việc này đang gặp phải những rào cản rất lớn, đặc biệt là cơ chế, chính sách. Luật Điện lực hiện hành không đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành điện trong tình hình mới.

Đó cũng là nguyên nhân, các dự án phát triển nguồn điện hầu hết bị chậm tiến độ, không thể chuyển động, không thu hút được đầu tư, nhất là các dự án nguồn điện mới như điện khí, điện gió ngoài khơi, trong khi các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, điện than không còn dư địa phát triển.

Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện
Kho cảng LNG Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Một ví dụ cụ thể như, trong 13 dự án điện LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) theo Quy hoạch điện VIII chỉ có nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 đang triển khai, các dự án khác đều gặp khó khăn khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, vướng mắc kéo dài trong cam kết mua điện, chính sách chuyển ngang giá khí sang giá điện và các điều kiện bảo đảm đầu tư khác để nhà đầu tư có thể vay vốn, thu hồi chi phí đầu tư... Phải thừa nhận thực tế là trừ các doanh nghiệp nhà nước đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, làm nhiệm vụ chính trị, còn với các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài sẽ không có chuyện bỏ tiền ra đầu tư nếu không thấy được “đường ra”.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc ở Trung Đông, tại Qatar-cường quốc khí LNG, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần trăn trở câu chuyện thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực của Việt Nam để đáp ứng các điều kiện thu hút đầu tư vào ngành điện. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Qatar đầu tư vào năng lượng, như điện khí LNG-lĩnh vực phía doanh nghiệp Qatar có thế mạnh phát triển vào Việt Nam. Các đối tác cũng bày tỏ sự quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành điện của Việt Nam, qua đó cụ thể và hiện thực hóa các mục tiêu hợp tác. Tuy nhiên họ cũng khẳng định, chỉ đầu tư với điều kiện tiên quyết là phải có hành lang pháp lý rõ ràng, đủ hấp dẫn, làm cơ sở tính toán bài toán đầu tư.

Đáp ứng đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm từ nay đến năm 2030, chúng ta cần khoảng 14 tỷ đến 16 tỷ USD đầu tư cho ngành điện, tương đương mức khoảng 320.000 tỷ đến 350.000 tỷ đồng. Ngoài ra, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế thì quá trình chuyển dịch năng lượng ở nước ta cũng đòi hỏi một hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này phải rất thông thoáng, đồng bộ thì mới thực hiện được.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển ngành điện, Chính phủ đã và đang thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực, với mục tiêu trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Dự thảo luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu các quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện...

Đồng thời, bổ sung hơn 60 điều về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng mới (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, các quy định được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ.

Trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã làm rõ hơn thẩm quyền để quyết định chủ trương đầu tư của các loại hình nguồn điện. Chẳng hạn như điện gió ngoài khơi, đến giờ này không biết cấp nào là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư? Không biết ai là người có thẩm quyền quyết định khảo sát đáy biển, khảo sát gió, cường độ, tần suất...?

Sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề cấp bách, được kỳ vọng là bước đột phá về chính sách để ngành điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-thong-dong-von-dau-tu-vao-nganh-dien-802634

  • Từ khóa