Trong quá khứ, Indonesia từng có lúc mạnh hơn Nhật Bản. Tuy nhiên, Indonesia dù có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, nhưng không thể so sánh với Nhật Bản ở đẳng cấp hoàn toàn khác.
Indonesia chính là đội bóng đầu tiên của châu Á từng tham dự một vòng chung kết (VCK) World Cup, từ tận năm 1938. Ngày đó, đội tuyển Indonesia còn mang tên là đội tuyển Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies).
Nhật Bản mạnh hơn so với Indonesia (Ảnh: AFC).
Lẽ ra, ngày đó Indonesia sẽ có trận đối đầu với Nhật Bản ở vòng play-off tranh vé vớt dự World Cup. Tuy nhiên, Nhật Bản sau đó rút lui. Đội thay thế cho Nhật Bản dự trận play-off là Mỹ cũng rút lui, giúp Indonesia nghiễm nhiên có vé vào thẳng VCK World Cup tại Pháp.
Dù vậy, đó đã là chuyện của gần một thế kỷ trước. Từ năm 1938 đến nay, Indonesia chưa bao giờ trở lại với VCK World Cup, trong khi Nhật Bản đã có đến 7 lần liên tục dự giải vô địch thế giới, sau lần đầu tiên vào năm 1998.
Hiện tại, Nhật Bản là nền bóng đá số một châu Á. Họ được đánh giá mạnh hơn cả Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, những anh tài hàng đầu của bóng đá châu lục.
Đội bóng xứ sở mặt trời mọc có những điểm mạnh rõ rệt, được cả thế giới nể phục, chứ không riêng gì giới bóng đá châu Á. Về mặt tinh thần, Nhật Bản tốt nhất thế giới. Cầu thủ Nhật Bản không có khái niệm buông xuôi chừng nào còi dứt trận chưa vang lên.
Đội tuyển Indionesia khó tránh khỏi thất bại trước Nhật Bản, dù có lợi thế sân nhà (Ảnh: Reuters).
Về tính kỷ luật chiến thuật, Nhật Bản cũng tốt nhất thế giới. Bất kể đối thủ là ai, bất kể trong hoàn cảnh nào, Nhật Bản vẫn giữ được lối chơi của mình, dù có gặp nguy họ cũng không rối.
Về mặt kỹ thuật, cầu thủ Nhật Bản đã đạt đến trình độ rất cao. Dĩ nhiên, họ chưa thể so sánh với chất kỹ thuật của các cầu thủ Brazil, hay Argentina, nhưng việc người Nhật đi bóng qua người đối phương là chuyện xảy ra thường xuyên ở mọi trận đấu có sự hiện diện của đội bóng này. Kể cả khi Nhật Bản đối đầu với Tây Ban Nha hay Đức.
Nếu có điểm mà Indonesia trông chờ, qua đó hy vọng gây bất ngờ trước Nhật Bản, đó là khả năng chơi bóng bổng và yếu tố sân nhà.
Đầu tiên, sân Gelora Bung Karno tại Jakarta luôn là một trong những sân vận động có độ cuồng nhiệt hàng đầu thế giới. Người hâm mộ xứ sở vạn đảo khi đến đây luôn hừng hực tinh thần, trước khi họ truyền tinh thần ấy cho các cầu thủ Indonesia bên dưới sân.
Về khả năng chơi bóng bổng, hầu hết cầu thủ Indonesia hiện nay đều sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở châu Âu, nên họ quen chơi bóng bổng từ nhỏ.
Cầu thủ Nhật Bản có thể không kém về mặt hình thể. Đặc biệt, các trung vệ và trung phong của bóng đá Nhật hiện nay không thiếu người cao lớn, có người trên dưới 1m90.
Tuy nhiên, việc người Nhật chơi bóng bổng không giỏi chủ yếu đến từ thói quen, chứ không phải đến từ hình thể (họ quen phối hợp nhóm trên mặt sân).
Dù vậy, chừng đó ưu điểm là chưa đủ để Indonesia giành điểm trước Nhật Bản. Điều quan trọng là ở trận này, chưa chắc hàng thủ Indonesia đứng vững trước sức tấn công của người Nhật. Thậm chí, nếu Indonesia ghi bàn trước, Nhật Bản vẫn có thể lật ngược tình thế, nhưng nếu Nhật Bản ghi bàn trước, Indonesia hầu như không còn "cửa" giành điểm.
Đội hình dự kiến
Indonesia: Paes; Walsh, Diks, Amat, Idzes, Verdonk; Sulaeman, Jenner, Haye, Oratmangoen; Struick.
Nhật Bản: Suzuki; Itakura, Taniguchi, Machida; Doan, Endo, Morita, Mitoma; Minamino, Kubo; Furuhashi.
Dự đoán: Nhật Bản thắng 3-1.
Kết quả vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á
16h10 ngày 14/11: Australia 0-0 Saudi Arabia
19h00 ngày 14/11: Triều Tiên 2-3 Iran
21h00 ngày 14/11: Bahrain 0-1 Trung Quốc
21h00 ngày 14/11: Kuwait 1-3 Hàn Quốc
23h00 ngày 14/11: Oman 1-0 Palestine
23h15 ngày 14/11: Iraq 0-0 Jordan
23h15 ngày 14/11: Qatar 3-2 Uzbekistan
23h15 ngày 14/11: UAE 3-0 Kyrgyzstan
19h00 ngày 15/11: Indonesia - Nhật Bản.
Theo dantri.com.vn