Ngay sau khi có hiệu lực thi hành, Luật Thuế 71 đã nảy sinh nhiều bất cập, đi ngược lại so với mong muốn ban đầu. Cụ thể, giá bán phân bón trong nước không những không giảm mà còn tăng lên do phải gánh phần thuế VAT đầu vào mà doanh nghiệp không được hoàn thuế do không có thuế VAT đầu ra; tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu,...
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.
Ngày 17/11, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Mới (PetroTimes) tổ chức tọa đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”.
Phát biểu tại toạ đàm, Tổng Biên tập PetroTimes Phạm Thuận Thiên cho biết, năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Thuế 71/2014/QH13 (gọi tắt là Luật Thuế 71), có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tại khoản 1, Điều 3, Luật này quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Quy định này được kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai thực hiện, Luật Thuế 71 đã nảy sinh nhiều bất cập, đi ngược lại so với mong muốn ban đầu.
Cụ thể, giá bán phân bón trong nước không những không giảm mà còn tăng lên. Doanh nghiệp phải gánh phần thuế VAT đầu vào do không được hoàn thuế vì không có thuế VAT đầu ra; gây nên sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển, có nguy cơ đi thụt lùi; ngân sách nhà nước thất thu,...
Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Mới (PetroTimes) Phạm Thuận Thiên phát biểu tại Tọa đàm. |
Do những bất cập nêu trên, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đã được đưa ra thảo luận, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, phương án áp thuế VAT 5% đối với phân bón đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nhằm bảo đảm cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu, vì lợi ích người nông dân, sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng khoản 3 Điều 15 trong dự thảo luật là không hợp lý, cần phải được điều chỉnh. Thông qua tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và khách mời có dịp làm rõ những bất cập, tác động tiêu cực của Luật Thuế 71 đối với người nông dân, cùng lợi ích thiết thực của việc áp thuế VAT phân bón 5%,…
Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, thuế VAT với phân bón có giá trị không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác. Nghị trường Quốc hội trong thời gian qua đã rất “nóng” với vấn đề này vì Luật Thuế VAT ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt là người nông dân.
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng và ban hành chính sách là không để gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, đây là nguyên tắc bất di bất dịch để không ảnh hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của người nông dân.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An trao đổi tại tọa đàm. |
Liên quan tới việc áp thuế 5% được kỳ vọng như thế nào đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sẽ gây ra nhiều bất cập.
Bởi lẽ, khi thuế VAT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế VAT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.
Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có lợi thế không phải chịu thuế VAT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón và cũng không phải chịu thuế VAT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.
Từ đó, có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, thậm chí có thể tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa nhập khẩu với sản xuất trong nước, dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản,… Do đó, việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón là vấn đề hết sức cấp thiết.
Ông Lê Văn Ngân, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin, trong 10 năm gần đây, kể từ khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, việc đầu tư mới cho các dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp phân bón bị chậm lại. Phần lớn các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp hiện rất lạc hậu.
Vì vậy, việc áp thuế 5% sẽ giúp doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới, hiện đại. Khi đó năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao, giúp phân bón Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.
Ông Nguyễn Văn Được trao đổi tại Tọa đàm. |
Tại khoản 3, Điều 15 dự thảo Luật Thuế VAT quy định các trường hợp hoàn thuế: “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 5% nếu có số thuế VAT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế VAT”.
Với quy định này, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, doanh nghiệp chỉ có 1 loại thuế suất thuế VAT 5% mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế VAT trở lên thì không được hoàn thuế. Điều này không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế VAT trở lên.
Trong thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế VAT 5%. Do đó, sửa Luật thuế VAT cần bảo đảm công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT 5%.
Ông Được cũng lấy thí dụ, doanh nghiệp A là nhà sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu hàng hóa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì doanh nghiệp A sẽ không được hoàn thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp B chỉ sản xuất phân bón, không kinh doanh ngành nghề khác thì lại được hoàn thuế. Như vậy, sẽ không công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Vì vậy, thuật ngữ “chỉ” sẽ làm giới hạn đối tượng được hoàn thuế và không bảo đảm công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT 5%.
“Cần bỏ từ “chỉ” thì tất cả các doanh nghiệp có một hay nhiều loại thuế suất thuế VAT trở lên đều được đối xử bình đẳng. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện và động lực để liên tục đầu tư phát triển, đổi mới, đa dạng sản phẩm; dành thêm nguồn lực đem lại lợi ích cho nền kinh tế”, ông Được nhấn mạnh.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khẳng định: Nếu áp thuế 10% hoặc 0% thì người nông dân sẽ không được lợi gì, mà còn bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không thu được thuế từ sản xuất trong nước lại càng không thu được thuế từ doanh nghiệp nước ngoài. Theo tính toán, trong giai đoạn 2013-2014, qua khảo sát 4 doanh nghiệp phân bón lớn, giá đầu vào phân bón khoảng 3-4%. Do vậy, việc áp thuế VAT 5% với phân bón là hợp lý, từ đó có cơ sở để khấu trừ phần chiết khấu thuế đầu vào cũng không làm tăng giá trị phân bón quá nhiều.
“Việc sửa đổi Luật Thuế VAT lần này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập đời sống người nông dân. Qua đó, đưa nông nghiệp trở thành nền tảng hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam thăng hoa thời gian tới”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ap-thue-phan-bon-gop-phan-thuc-day-nong-nghiep-phat-trien-post845379.html